Thay đổi chất lượng dịch vụ
Theo đại diện UBND thành phố Sầm Sơn, địa phương "trọng điểm" du lịch của Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, Sầm Sơn đã đón trên 4,1 triệu lượt khách, gấp 2,59 lần cùng kì năm 2021, vượt 17,88% kế hoạch năm. Doanh thu từ du lịch đạt 3.450 tỷ đồng, gấp 2,47 lần cùng kì năm 2021, vượt 9% kế hoạch năm 2022.
Anh Trường Giang, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Tôi đã đến Sầm Sơn vài lần nghỉ mát với đơn vị và bạn bè, và lần này tôi nhận rõ sự khác biệt trong dịch vụ nơi đây. Tôi vẫn ấn tượng những lần trước đến đây 6-7 năm khi dọc bãi biển nhiều hàng quán, giá dịch vụ thì rất đắt. Lần đó, chúng tôi vào quán ngồi riêng tiền ghế cũng bị tính 30.000 đồng/ghế. Ngồi 20 ghế mất hơn 600.000 đồng một cách vô lý, nên thời gian đó, Sầm Sơn được mệnh danh là “máy chém” du lịch biển miền Bắc. Tuy nhiên, năm nay đến Sầm Sơn cơ bản mặt biển đã không còn hàng quán, thuận tiện cho du khách tham quan, bơi lội. Giá dịch vụ được niêm yết công khai. Nhiều quán, khách sạn đông khách do giữ chữ tín, chất lượng dịch vụ tốt nêm dù giá cao nhưng khách vẫn chấp nhận".
Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong, đánh giá: Trong khu vực miền Bắc, Sầm Sơn là bãi biển có cự ly đi vừa phải, đường xá thuận tiện, nên được nhiều khách đoàn lựa chọn. Cùng với việc quy hoạch lại của chính quyền, gần đây chất lượng dịch vụ tại các cơ sở du lịch Sầm Sơn đã được cải thiện, giữ chữ tín với đối tác.
Đại diện một số khách sạn tại Sầm Sơn cho biết, các dịch vụ phòng đã được đặt kín từ nay đến giữa tháng 8. Không chỉ cuối tuần nơi đây mới đông khách, mà nhiều đoàn lựa chọn vào những ngày giữa tuần để giảm áp lực đặt phòng và giá rẻ hơn so với cuối tuần từ 15-20%.
Cùng với đó, thành phố Sầm Sơn xây dựng chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để kích cầu du lịch với mục tiêu từng bước xây dựng Sầm Sơn trở thành “Thành phố của lễ hội”. Cụ thể, từ ngày 24/4/2022, Sầm Sơn chính thức mở cửa đón du khách với nhiều hoạt động du lịch, văn hoá, trong đó có 19 lễ hội, chương trình văn hoá nghệ thuật, kỷ niệm..., tiêu biểu như: Lễ hội cầu Phúc đền Độc Cước; Kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn và khai mạc Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn năm 2022; lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái; lễ hội Carnival đường phố...
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã chú trọng đa dạng hóa sản phẩm để thu hút du khách và kéo dài thời gian hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn tắm biển... nhằm từng bước xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành địa chỉ du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Liên kết tuyến, tạo sự đa dạng
Sự chủ động của Thanh Hóa đã ngay lập tức tạo ra sức bật mạnh mẽ cho ngành du lịch địa phương này. Tại hội chợ du lịch VITM Hà Nội 2022 (31/3-2/4) tại Hà Nội , Thanh Hoá đã liên kết với Nghệ An, Hà Tĩnh tạo thành một điểm đến xúc tiến du lịch. Ngay thời điểm đó, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đã tung ra hơn 200 tour kích cầu, booking giá rẻ và gần 1.000 sản phẩm quà tặng đặc trưng xứ Thanh, đồng thời phối hợp với Hiệp hội du lịch Hà Nội tổ chức đoàn famtrip kết nối các tuyển điểm du lịch trong tỉnh.
Cùng với các khu du lịch biển, ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại, một số điểm đến văn hóa lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng như: Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc)... của địa phương cũng tạo được sức hấp dẫn đối với du khách, giúp cho khách có nhiều lựa chọn, sau khi đi Sầm Sơn sẽ đến tham quan các điểm đến khách trong tỉnh, kéo dài lưu trú của khách.
Cùng với lượng khách truyền thống từ các tỉnh phía Bắc, những điểm đến này đã mở rộng thu hút khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên có đường bay kết nối đến Thanh Hóa.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Thanh Hoá đã kết hợp với Hiệp hội du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp du lịch thực hiện đồng bộ các giải pháp: tuyên truyền, quảng bá; tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động xúc tiến, sự kiện du lịch lớn trong và ngoài tỉnh; tăng cường liên kết với các trọng điểm du lịch trong cả nước; tổ chức khảo sát, xây dựng các tour du lịch mới; khai thác hiệu quả các đường bay hiện có và đường bay mới đến và đi từ Cảng Hàng không Thọ Xuân; định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khai thác, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác...
Theo bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hoá, du lịch Thanh Hóa tiếp tục thực hiện công tác duy trì trật tự kỷ cương tại các khu, điểm và loại hình kinh doanh dịch vụ. Bên cạnh đó, Sở sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng, ban quản lý khu, điểm du lịch, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn điểm đến; chú trọng tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch; tăng cường công tác quản lý giá, dịch vụ; bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 6,8 triệu lượt, bằng 68,2% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 44.550 lượt, tăng gấp 2,18 lần, tổng thu du lịch ước đạt 11.557 tỷ đồng, tăng gấp 2,61 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và đạt 64,5% kế hoạch năm 2022.
Đáng chú ý, lượng khách du lịch đăng ký lưu trú tại các khu, điểm du lịch tại Thanh Hóa tăng đột biến trong tháng 6. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2022 trên địa bàn Thanh Hóa sẽ diễn ra gần 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, phấn đấu đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440.000 khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18.000 tỷ đồng.