Việc khôi phục mạnh mẽ ngành du lịch sẽ tạo sức bật và tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển du lịch nói riêng và cho các ngành kinh tế khác nói chung trong các năm tới.
Sẵn sàng cho Năm du lịch quốc gia 2023
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, thương hiệu du lịch Bình Thuận đã được khẳng định trong lòng du khách quốc tế và người dân trong nước, vì vậy tỉnh đã được Trung ương tin tưởng giao đăng cai Năm du lịch quốc gia năm 2023.
Để có thể hoàn thành nhiệm vụ này, tỉnh Bình Thuận tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương thi công hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) đoạn qua địa bàn tỉnh; Cảng hàng không Phan Thiết; thi công hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với Quốc lộ 1A, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Tỉnh cũng ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách và huy động đa dạng các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh; đầu tư công viên, quảng trường biển, kè biển, bến du thuyền, khu neo đậu tàu thuyền, bãi đậu xe… phục vụ phát triển du lịch. Tỉnh cũng đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ yêu cầu chuyển đổi số và dịch vụ du lịch thông minh, mời gọi đầu tư các trung tâm thương mại lớn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.
Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận – Hội tụ xanh” sẽ mở ra cho tỉnh Bình Thuận nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển đột phá ngành du lịch. Đây cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh điểm đến du lịch Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung với du khách trong nước và quốc tế.
Chương trình Năm du lịch quốc gia 2023 dự kiến sẽ có hơn 200 hoạt động, sự kiện đặc sắc có tầm cỡ quốc gia, quốc tế diễn ra tại Bình Thuận và 41 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sự kiện được kỳ vọng góp phần mở ra giai đoạn mới trong hợp tác du lịch với các quốc gia, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, thúc đẩy mở rộng thị trường khách du lịch trong khu vực ASEAN, châu Á và trên thế giới. Đối với các chương trình được tổ chức tại Bình Thuận trong Năm du lịch quốc gia 2023 đều là điểm nhấn, được kỳ vọng tạo bước đột phá để thúc đẩy du lịch Bình Thuận phát triển xứng tầm và bền vững.
Theo ông Nguyễn Minh, Bình Thuận hiện đã sẵn sàng các công tác phục vụ cho Năm du lịch quốc gia 2023 với điểm nhấn là lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 25/3 tại thành phố Phan Thiết. Lễ khai mạc sẽ diễn ra hoành tráng gồm 3 chương, kéo dài 85 phút về chủ đề "Hội tụ xanh", được dẫn dắt qua câu chuyện kể từ cội nguồn núi rừng đến biển, đảo; thể hiện những nét văn hóa, sinh hoạt của người dân, phong cảnh làng quê, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của cư dân bản địa, gắn với tuyên truyền bảo vệ môi trường, giảm rác thải, phát triển du lịch xanh, an toàn, thân thiện. Đặc biệt, tại lễ khai mạc còn có trình diễn ánh sáng bằng thiết bị bay "drone light", bay treo khinh khí cầu, trình diễn dù lượn, bắn pháo hoa tầm thấp...
Để tổ chức thành công sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội và du lịch tiêu biểu này, nhất là Lễ khai mạc, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các thành viên Ban tổ chức, các sở, ban, ngành và địa phương cần nâng cao tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao, khẩn trương và chủ động chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và nhân dân về sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
Du lịch - một trong ba trụ cột phát triển kinh tế
Theo ông Nguyễn Minh, hiện nay, tỉnh Bình Thuận xác định rất rõ tầm quan trọng và vai trò đóng góp của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững.
Từ năm 1995 đến nay, tỉnh đã ban hành 6 Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch. Qua mỗi giai đoạn đã dần nâng cao vị trí của du lịch trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, từ xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, đến là ngành kinh tế mũi nhọn và hiện nay là một trong ba trụ cột bên cạnh nông nghiệp chất lượng cao và công nghiệp năng lượng sạch. Điều đó cho thấy du lịch có vai trò, vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đây cũng là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, tỉnh Bình Thuận muốn phát triển du lịch thành trụ cột kinh tế và tương xứng với tiềm năng, níu chân du khách trở lại, ngành du lịch cần có nhiều đột phá, đổi mới trong chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư cũng như phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng; tích cực thực hiện các dự án, chương trình bảo vệ môi trường biển…
Ông Đặng Minh Huy, Phó Giám đốc điều hành The Cliff Resort Residences cho biết, thực tế, ngành du lịch Bình Thuận có thể tiến xa hơn rất nhiều. Ngoài việc chung tay của các doanh nghiệp thì cũng cần có sự định hướng của nhà nước, các cơ quan chính quyền. Mặt khác, tỉnh cũng cần có những chính sách mở cửa, thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư, vì càng nhiều tập đoàn lớn thì việc quảng bá cho thương hiệu Bình Thuận sẽ đến được với nhiều khách hàng khác trên khắp thế giới.
Tương tự, đại diện Pandanus Resort cũng cho rằng, du lịch Bình Thuận cần cải thiện nhiều việc, chẳng hạn như vấn đề về rác thải dọc tuyến đường chính Võ Nguyên Giáp, đây là con đường du lịch chính của thành phố Phan Thiết; đồng thời xử lý vấn đề rác thải dưới biển làm ảnh hưởng đến du lịch. Thêm vào đó, thành phố Phan Thiết cần có quy hoạch về phố ẩm thực hoặc là nơi để du khách vui chơi; vấn đề xâm thực biển cũng cần giải quyết triệt để.
Đánh giá về vai trò phát triển ngành du lịch nói chung và các dự án nghỉ dưỡng du lịch nói riêng trong việc tạo công ăn việc làm cho người lao động tại Bình Thuận, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết, hơn 5 năm qua, nhu cầu về nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp của khách du lịch tăng gần 200% so với trước đây. Qua đó, các cơ sở du lịch, dịch vụ cũng cần có một lượng lao động tương ứng để đáp ứng các nhu cầu phát triển của ngành du lịch và đây chính là cơ hội để tạo thêm nhiều công việc cho người dân tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.
Chia sẻ về mục tiêu phát triển ngành du lịch Bình Thuận, ông Bùi Thế Nhân cho biết, năm 2023, Bình Thuận đặt ra chỉ tiêu thu hút 6,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt 16.000 tỷ đồng. Vì vậy, với việc đăng cai Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” hứa hẹn sẽ tạo cú hích cho tỉnh trong việc thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh. Mặt khác, tỉnh cũng đang đẩy mạnh các hoạt động khai thác, thu hút đầu tư vào việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ, phù hợp thị hiếu của du khách để kéo du khách quay trở lại tỉnh nhiều hơn, từ đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, nhằm chuẩn bị đón lượng khách lớn trong Năm du lịch quốc gia 2023, Hiệp hội cũng đã kêu gọi doanh nghiệp du lịch thành viên đầu tư cơ sở vật chất, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực cũng như cung cách phục vụ để sẵn sàng đón khách.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang có gần 600 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với 17.500 phòng; gần 1.000 căn hộ và biệt thự du lịch cho thuê, đảm bảo phục vụ đa dạng dòng du khách vào cùng một thời điểm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 25.000 lao động ngành du lịch, trong đó khoảng 70% lao động đã đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ...