Bao giờ có du khách đến Việt Nam để... ăn?

Ẩm thực được coi là thế mạnh của du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, hầu hết khách mới chỉ thưởng thức ẩm thực chứ chưa trải nghiệm tour du lịch ẩm thực đúng nghĩa.

 

Xếp hàng thưởng thức phở Hà Nội


Đến Hà Nội, phở là món ăn đầu tiên du khách muốn được thưởng thức, mà là phải tại các hàng phở truyền thống. Đó là lý do nhiều du khách quốc tế sẵn sàng đứng xếp hàng chờ đến lượt ăn phở tại nhiều hàng phở Hà Nội.


 

Khách quốc tế cùng xếp hàng ăn phở truyền thống.

Bà Sue Slatter, giáo viên dạy nấu ăn tại một trường dạy nghề California (Mỹ) cho biết: “Tôi đã được nghe nói phải xếp hàng chờ ăn phở. Tôi rất tò mò muốn biết vì sao nhiều người lại phải xếp hàng và nó cũng là nét văn hóa một thời của Hà Nội. Quả thật, phở Hà Nội rất là ngon. Ở Mỹ cũng có phở nhưng hương vị hoàn toàn khác. Ở đây phở có vị rất đậm đà và rất ngon, bánh phở ở Mỹ quá dày, còn bánh phở ở đây thì mỏng và hương vị của nó tuyệt vời”.


Còn ông David Jackman, một đầu bếp đến từ Mỹ, chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi được ăn phở Việt Nam, bánh phở rất ngon, người ta hòa quyện các gia vị rất hoàn hảo, tạo ra hương vị riêng. Tôi không hiểu họ làm thế nào mà thịt bò mềm và ngon như thế, và cái không khí ở nhà hàng thì rất tuyệt vời, mọi người đến và ngồi rất gần nhau, trong lúc ăn tôi có thể thay đổi khẩu vị tùy thích bằng cách thêm gia vị có sẵn trên bàn”.


Sau khi thưởng thức món phở truyền thống của Việt Nam, những du khách này đã đến thăm cơ sở làm bánh phở ngay trong khu phố cổ. Họ rất ngạc nhiên khi biết trong lòng khu phố cổ đông đúc như vậy lại có cơ sở chế biến khá hiện đại, và được rất nhiều cửa hàng trong vùng đặt mua. Chủ cơ sở chế biến cho biết: “Công thức để làm bánh phở thì nhiều người biết, nhưng để làm bánh phở mỏng và mềm là bí quyết gia truyền. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cơ sở chúng tôi không dùng phụ gia thực phẩm”.

 

Trải nghiệm ẩm thực phố cổ


Những người đam mê ẩm thực Hà Nội không chỉ thưởng thức mà còn trải nghiệm từ việc đi chợ và học nấu ăn. Anh Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc điều hành Vietnam Now Travel cho biết: “Tùy yêu cầu của từng đoàn khách, chúng tôi sẽ bố trí tour ẩm thực, như khám phá chợ Hà Nội, học cách nấu ăn truyền thống. Cũng có đoàn quan tâm đến tính truyền thống trong ẩm thực Hà Nội, khi đó chúng tôi đã mời nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết hướng dẫn cách đi chợ truyền thống Hàng Bè. Ngoài ra, một số tour cầu kỳ hơn, chúng tôi sẽ để du khách trải nghiệm đi xích lô - đi chợ, giới thiệu phố cổ và sau đó học chế biến món ăn truyền thống của Việt Nam”.


Ông Made Suryasa, một chuyên gia ẩm thực Inđônêxia nhận xét: “Tôi cảm thấy rất đặc biệt khi được học nấu món ăn bởi một nghệ nhân về ẩm thực Hà Nội. Điều khiến tôi ấn tượng là sự kết hợp giữa các gia vị với nhau, kết hợp độ mặn và ngọt để tạo nên hương vị hòa quyện với nhau. Nó làm tôi rất thích ẩm thực Hà Nội. Và những gì đã được học ở đây, tôi sẽ về thực hành bởi tôi là người thích nấu nướng”.


 

Khách quốc tế học làm món ăn truyền thống Việt.

Từ lâu những người làm du lịch đã ý thức được rằng, để thu hút được du khách quốc tế thì ẩm thực chính là sản phẩm du lịch quan trọng nhất. Ông Quỳnh cũng cho biết: “Theo tôi, ẩm thực Hà Nội là một lợi thế để khai thác, nhưng để thành sản phẩm du lịch thường xuyên cần phải đầu tư và quảng bá. Bất kỳ một du khách khi đến một đất nước, điều đầu tiên người ta tiếp cận đó chính là ẩm thực. Qua ẩm thực người ta học được rất nhiều điều và có thể giải thích được rất nhiều điều về văn hóa, về Hà Nội. Nếu cảm thấy hợp khẩu vị và yêu thích, họ sẽ tiếp tục khám phá các món ăn khác của Việt Nam”.


Còn bà Phạm Thị Ánh Tuyết, nghệ nhân ẩm thực cho biết: Món ăn của Việt Nam dân gian truyền thống, rất cân bằng âm dương. Khách nước ngoài thích bởi ẩm thực Việt không bị nặng bụng, không bị đầy bụng, hài hòa giữa rau, củ quả và không có gì hại đến sức khỏe.


Với lợi thế về ẩm thực, nhiều doanh nghiệp lữ hành đề xuất xây dựng tour ẩm thực để quảng bá cho thương hiệu du lịch Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, đề xuất: “Hiện chúng ta vẫn đang loay hoay trong việc chọn điểm nhấn cho thương hiệu du lịch Việt. Theo tôi, chúng ta nên chọn ẩm thực để làm thương hiệu bởi chuyên gia maketting hàng đầu thế giới Philip Kotler từng gợi ý “Việt Nam - bếp ăn thế giới”. Mới đây, Christina Hà, cô gái khiếm thị người Mỹ gốc Việt đang giữ danh hiệu Vua đầu bếp Mỹ 2012 với những món ăn truyền thống Việt đang tạo sự ấn tượng với du khách quốc tế về ẩm thực Việt và chúng ta nên tranh thủ sự kiện này để quảng bá ẩm thực Việt Nam”.


Còn bà Đỗ Thị Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết: Ngành du lịch Việt Nam có đề án đào tạo 1.000 đầu bếp Việt. Tuy nhiên, để ẩm thực trở thành một thương hiệu du lịch cần phải có chiến lược, giải pháp, chương trình cụ thể về văn hóa ẩm thực.


Trong các ấn phẩm xúc tiến du lịch, ẩm thực luôn được giới thiệu “chung chung” là thế mạnh tiềm năng nhưng sản phẩm cụ thể rất “mơ hồ”. Theo các đơn vị lữ hành làm tour ẩm thực, họ đang phải tự mày mò để tạo dựng tour ẩm thực. Tại Hà Nội, hiện có khoảng 10 nhà hàng xây dựng tour học nấu ăn với giá từ 35-55 USD/người tùy nội dung chương trình. Những du khách trải nghiệm tour ẩm thực đều khẳng định, các món ăn truyền thống của Việt Nam luôn để lại ấn tượng và hấp dẫn, điều đó khiến họ có cơ hội sẽ trở lại Việt Nam lần nữa.



Bài và ảnh: Xuân Cường

Du lịch Huế chú trọng tái hiện các hoạt động lễ hội trong cung vua
Du lịch Huế chú trọng tái hiện các hoạt động lễ hội trong cung vua

Để tạo điểm nhấn cho du lịch Cố đô Huế, từ ngày 26/3, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tái hiện phiên lễ đổi gác dưới cung vua diễn ra từ 9h đến 9h30 sáng hàng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN