Trong khuôn khổ buổi tọa đàm diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác kích cầu du lịch Quảng Ninh giữa các đơn vị, doanh nghiệp du lịch liên quan và tỉnh Quảng Ninh.
Sau những nỗ lực kiểm soát tốt dịch COVID-19, đảm bảo cách ly an toàn cho hàng nghìn chuyên gia quốc tế và duy trì điểm đến an toàn, chính quyền tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đưa ra gói kích cầu du lịch lần hai với trị giá 100 tỷ đồng để thúc đẩy quá trình phục hồi cho ngành du lịch. Các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Ninh cũng thích nghi với tình hình mới và giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn nhằm thu hút du khách nội địa. Tuy nhiên, gói kích cầu lần hai, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch sẽ khó hơn lần một rất nhiều do mùa Đông Xuân là thời gian thấp điểm của du lịch và rất nhiều giải pháp kích cầu của đợt 1 nếu áp dụng tiếp cho đợt 2 sẽ không còn phù hợp. Trong bối cảnh mới này, du lịch Quảng Ninh cần thay đổi và làm gì để tăng sức hút đối với du khách nội địa, doanh nghiệp sẽ đưa ra những sản phẩm gì để cùng tham gia kích cầu du lịch, đó là những vấn đề cần được đưa ra bàn thảo nhằm tháo gỡ khó khăn, chia sẻ để ngành du lịch phát triển trong bối cảnh vừa trải qua thời gian dịch bệnh và đến thời gian thấp điểm nhất trong năm.
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm diễn ra 2 phiên chính, tại phiên thứ nhất với chủ đề “Đặc sắc du lịch Quảng Ninh” là sự phân tích về những nỗ lực, giải pháp của Quảng Ninh cũng như các đơn vị lưu trú, lữ hành, du lịch… thời gian qua trong việc đảm bảo điểm đến an toàn và hấp dẫn. Phiên thứ 2 với chủ đề “Kịch bản và giải pháp”, các diễn giả đã chia sẻ những nhận định về yếu tố khó khăn, thuận lợi của du lịch Quảng Ninh thời điểm hiện tại, đưa ra các kịch bản tiếp theo trong việc phục hồi thị trường nội địa và quốc tế; cùng các sản phẩm du lịch cụ thể, hấp dẫn hơn.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ: Quảng Ninh là thị trường có sức hút lớn, là thị trường tiềm năng. Trong mùa Hè vừa qua, đơn vị đã đón hơn 30.000 lượt khách nội địa đến với Quảng Ninh. Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều chính sách kích cầu du lịch hiệu quả, tuy nhiên Quảng Ninh vẫn cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn nữa và cần phát triển du lịch nghỉ đêm.
Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Cung ứng nghiệp vụ chất lượng quốc tế (Golden Tour) cho rằng: Quảng Ninh là thị trường tiềm năng cho phát triển du lịch kết hợp với tổ chức team building và hội thảo. Quảng Ninh cần có sự hỗ trợ cho đoàn du khách du lịch sự kiện, kết hợp giữa hội thảo, hội nghị và du lịch. Có đội ngũ chuyên nghiệp, mảng riêng dành cho du lịch hội nghị, hội thảo.
Bà Nguyễn Phúc Ngân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC nêu quan điểm là không có mùa du lịch thấp điểm mà là chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; trước đây khách sạn bán cả gói lớn với 300-500 người với loại hình hội thảo kết hợp du lịch thì nay đưa ra gói nhỏ hơn chỉ 30-50 người. Khách sạn đưa ra các gói kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng như kết hợp với golf, du thuyền nghỉ dưỡng, giảm giá phòng, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ.
Ông Hồ Xuân Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch thương mại và Đầu tư Hà Nội (HaNoTours) chia sẻ: Quảng Ninh cùng với Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương quyết liệt và triển khai có hiệu quả các gói kích cầu du lịch. Quảng Ninh đã công khai các gói kích cầu để du khách biết để lựa chọn. Tuy nhiên Quảng Ninh cần phát triển mảng du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, phát triển du lịch đêm, phố đi bộ, ẩm thực, chợ đêm; giảm hoặc miễn phí vé nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 9 tháng của năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến địa phương đạt trên 5,8 triệu lượt, trong đó có trên 500.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt trên 12.000 tỷ đồng. Trong quý IV/2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức 64 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại; tỉnh kỳ vọng sẽ đón 3 triệu lượt khách nội địa đến với các điểm du lịch trên địa bàn.