Với hơn 2.100 cơ sở giáo dục công lập cũng như tư nhân, cung cấp hàng loạt khóa học chất lượng cao, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với chi phí thấp, cùng chính sách nhập cư khá thân thiện, Philíppin ngày càng thu hút nhiều sinh viên nước ngoài tới đây nhập học. Cục di trú nước này cho biết, tính đến thời điểm kết thúc khóa học trong tháng 3/2011, đã có gần 20.000 sinh viên du học ở Philíppin và con số này sẽ tăng lên khi khóa học mới khai giảng vào tháng 6 này. Đó là chưa tính đến hàng chục ngàn sinh viên, phần lớn đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc, đăng ký tham gia các cơ sở đào tạo nhỏ lẻ với những khóa giảng dạy bằng tiếng Anh ngắn hạn.
Sinh viên y khoa người Nigiêria Dike Edward Ikechukwu, 22 tuổi, nói rằng anh biết đến các khóa học ở Philíppin nhờ một chương trình triển lãm giáo dục do các trường học tại thủ đô Manila thực hiện. Mặc dù đang theo học ngành dược tại thành phố Lagos, Ikechukwu đã quyết định du học với mục đích nâng cao kiến thức đồng thời không trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình. “Học phí tương đối hợp lý với tôi. Nếu theo một khóa học có chất lượng tương đương tại Mỹ sẽ tốn kém hơn rất nhiều”, Ikechukwu, hiện là chủ tịch hiệp hội sinh viên nước ngoài gồm 605 thành viên tại Đại học Santo Tomas ở Manila, nói. Một khóa học kéo dài bốn năm tại Philíppin có chi phí từ 1.000 - 2.500 USD/năm, rẻ hơn nhiều so với học tại Mỹ, nơi hàng năm mỗi sinh viên có thể phải tiêu tốn hơn 30.000 USD. Trước khi Ikechukwu du học Philíppin, bố của anh, vốn là một nhà tư vấn vận tải đường thủy, đã tới đất nước này tìm hiểu về hệ thống trường học và rất hài lòng với việc tiếng Anh được sử dụng rộng rãi tại đây.
Dike Edward Ikechukwu (phải) và Beryl France Buendia (thứ hai từ trái sang) cùng các sinh viên nước ngoài khác tại Đại học Santo Tomas. Ảnh: AFP/TTXVN |
Beryl France Buendia, sinh viên Mỹ đang theo học một khóa vật lý trị liệu tại Đại học Santo Tomas, cho rằng học tập tại Philíppin không làm cô gặp khó khăn khi tìm việc làm ở Mỹ. “Tôi tin rằng tấm bằng ở Philíppin cũng có sức cạnh tranh không kém gì của Mỹ”, cô sinh viên 22 tuổi này cho biết, đồng thời cũng nói thêm rằng chi phí cũng là một nhân tố có ảnh hưởng lớn cho quyết định du học tại Manila của mình.
Đối với sinh viên khoa tâm lý 18 tuổi người Hàn Quốc, Juhyun Kim, thì việc học tiếng Anh và chi phí thấp cũng là lý do quan trọng để cô đăng ký học tại Đại học Ateneo de Manila. Cô cũng nói việc mình chọn du học tại Philíppin còn là do người dân nơi đây nổi tiếng thân thiện.
Theo số liệu của chính phủ, mặc dù Philíppin là một trong những nước nghèo nhất châu Á cùng sự phân hóa giàu - nghèo khá rõ rệt, nhưng tỉ lệ người dân được đi học chiếm gần 90%. Từ những năm 1980, chính phủ nước này đã bắt đầu khuyến khích thu hút sinh viên nước ngoài tới đây học tập, phần lớn là trong các lĩnh vực chuyên ngành như y, dược và nông nghiệp. Chỉ trong vòng một thập kỷ sau đó, tại Philíppin đã có sự bùng nổ các trường học và cơ sở giáo dục cung cấp những khóa học ngắn hạn với nhiều chuyên ngành như tiếng Anh, hàng không, quản lý khách sạn và nhà hàng, cùng các ngành nghề liên quan đến hàng hải.
Từ năm 2000, chính phủ Philíppin đã thực hiện chiến dịch nhằm biến nước này trở thành một trung tâm giáo dục tại châu Á, nhờ chính sách cấp thị thực dễ dàng hơn cho sinh viên nước ngoài. Đồng thời, các chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường của Philíppin với nhiều nước khác như Ốtxtrâylia, Mỹ, Hàn Quốc, Canađa, các nước châu Âu, cũng được thành lập.
Giáo sư Evelyn Songco, trợ lý hiệu trưởng phụ trách các vấn đề sinh viên ở Đại học Santo Tomas, cho biết việc có được số lượng lớn sinh viên tới Philíppin học tập là nhờ chính sách mạnh mẽ của chính phủ nhằm biến nước này trở thành một “thánh địa học thuật” tại châu Á. Bà Songco nói: “Nhiều trường học của Philíppin rất nổi tiếng ở nước ngoài và các sinh viên tốt nghiệp tại đây đã tạo được ấn tượng tốt trên khắp thế giới. Tấm bằng tốt nghiệp của chúng tôi có sức cạnh tranh và các trường đại học của Philíppin luôn nỗ lực hoàn thiện sao cho học phí do các sinh viên nước ngoài chi trả tương xứng với những gì họ đáng được hưởng”.
Quang Minh (theo AFP)