Vùng chè đặc sản Tân Cương được công nhận là điểm du lịch địa phương

Đến hẹn lại lên, ngày 12 tháng Giêng hằng năm, người dân vùng chè đặc sản Tân Cương tưng bừng tổ chức Lễ hội “Hương sắc Trà xuân” tại Không gian văn hóa Trà xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội.

Lễ hội nhằm tôn vinh cây chè và quảng bá, giới thiệu về thế mạnh, giá trị của chè đặc sản Tân Cương với đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước.

Chè là cây đặc sản chiến lược của tỉnh Thái Nguyên. Trong hơn 20 năm trở lại đây, cây chè không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo việc cho hàng chục nghìn lao động của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên có gần 1.500 ha chè, sản lượng đạt khoảng 19 nghìn tấn búp tươi/năm, giá trị sản phẩm bình quân đạt 180 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, vùng chè đặc sản Tân Cương bao gồm các xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà.

Với mục tiêu phát triển thương hiệu “Vùng chè đặc sản Tân Cương, vùng sản xuất chè an toàn”, 5 năm qua, thành phố Thái Nguyên đã hỗ trợ mở rộng thị trường cho sản phẩm chè, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển vùng nguyên liệu sản xuất chè tập trung, gắn công nghiệp chế biến với các sản phẩm trà nổi tiếng của địa phương; hỗ trợ kinh phí mua máy móc phục vụ chế biến, phun tưới chè; khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn. Nhờ đó, các sản phẩm trà của địa phương ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng lên.

Hiện, thành phố Thái Nguyên đã có 9 mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác của các xã Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương được chứng nhận sản xuất an toàn với diện tích khoảng 110 ha cho gần 300 hộ nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương: Để sản xuất ra một kg chè búp đặc sản không hề đơn giản, quy trình sản xuất chè phải trải qua nhiều công đoạn khá công phu và tỉ mỉ từ khâu chăm bón, thu hái chè, sao chè, vò chè. Xã Tân Cương hiện có khoảng 200 hộ làm chè và kinh doanh chè, từ cây chè nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Để quảng bá thương hiệu chè Tân Cương, lưu giữ bản sắc văn hóa trà, Lễ hội “Hương sắc Trà xuân” đã được khôi phục và tổ chức định kỳ hằng năm với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Thi rước cây chè cổ, thi sao chè, vò chè bằng phương pháp thủ công…

Niềm vui lớn nhất với người dân vùng chè đặc sản Tân Cương năm nay là UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định công nhận điểm du lịch địa phương đối với vùng chè đặc sản Tân Cương. Điều này đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của nhân dân thành phố và bạn bè gần xa, xây dựng điểm đến du lịch độc đáo, thúc đẩy du lịch Thái Nguyên phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch cả nước.

Du khách thưởng trà tại lễ hội.

Ông Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên cho biết: Phát huy tiềm năng thế mạnh vùng chè đặc sản Tân Cương, thành phố Thái Nguyên tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả đề án phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương với phương châm xây dựng vùng sản xuất chè an toàn gắn với việc hỗ trợ, nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất, thực hiện tốt quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý "Tân Cương", nâng cao vai trò liên kết các doanh nghiệp, các hợp tác xã chè với nông dân trong sản xuất nguyên liệu, góp phần đưa hương vị đặc trưng của chè Thái Nguyên đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thu Hằng (TTXVN)
Phát huy giá trị không gian văn hóa trà Thái Nguyên
Phát huy giá trị không gian văn hóa trà Thái Nguyên

Không gian văn hóa Trà Thái Nguyên được xây dựng năm 2011, kịp chào đón Lễ hội Trà Thái Nguyên lần thứ nhất, tại xã Tân Cương (Thái Nguyên). Không gian có diện tích 26.000 m2, gồm: Bãi đỗ xe, sân trung tâm, nhà trung tâm và khu điều hành đón tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN