Triển lãm "Hà Nội 1967 - 1975" trưng bày 130 bức ảnh đen trắng và màu được nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chụp trong 6 chuyến đi Việt Nam của ông, mang tới cho người xem những hình ảnh chân thực, giản dị và đầy cảm xúc về một Hà Nội với những giây phút đời thường của 40 - 50 năm trước.
Đó là hình ảnh về niềm vui đón đứa trẻ chào đời trong thời chiến, là hệ thống hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, là những phố xá vắng bóng người, là những dáng người lầm lũi đi trong mưa, là hình ảnh phi công Mỹ nhận thư nhà trong trại giam, là những gương mặt trẻ thơ trong sáng, là những niềm vui và nỗi buồn nhỏ bé của người dân Hà Nội suốt chiều dài cuộc chiến…
Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia đặc biệt của Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông đã dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời mình để đến chụp ảnh tại các vùng gian khó và khủng hoảng trên thế giới. Ảnh của Thomas kể cho người xem về sự bất công xã hội, về sự nghèo đói, sự đau khổ, về chiến tranh, nhưng cũng nói về cuộc sống của con người và nụ cười của họ. Và trẻ em luôn là người chuyển tải thông điệp trong ngôn ngữ nhiếp ảnh của Thomas Billhardt.
Từ năm 1967 - 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại sau đó 6 lần nữa. Những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 60 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới. Ông là người đầu tiên ghi lại nỗi kinh hoàng trên khuôn mặt trẻ thơ trong cuộc chiến này. Những bức ảnh chụp trong các chuyến đi của ông đã được xuất bản trong 4 cuốn sách ảnh: "Những phi công mặc pyjama" (1968), "Khát vọng hòa bình: Việt Nam" (1973), "Hà Nội - Những ngày trước hòa bình" (1973) và "Những gương mặt Việt Nam" (1978). Trong năm 2020 cuốn sách ảnh "Hà Nội 1967 - 1975" cũng vừa được nhà xuất bản Nhã Nam xuất bản.
Triển lãm ảnh "Hà Nội 1967 - 1975" do Viện Goethe, Camera Work, Nhã Nam và Manzi phối hợp tổ chức. Triển lãm diễn ra từ ngày 3/10 đến ngày 15/11, tại cả hai không gian triển lãm của Manzi là 14 Phan Huy Ích và số 2 ngõ Hàng Bún (Hà Nội).