Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân nhận Giải thưởng Lớn trên chiếc xe lăn vì vừa bị tai biến. |
Giải thưởng Lớn luôn “lớn”
“Giải thưởng Lớn”, một trong những giải thưởng quan trọng nhất của giải thưởng “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội” năm nay đã được trao cho nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân. Ông là nhân vật thứ 7 được trao giải thưởng có ý nghĩa này, trước đó là Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012), nhiếp ảnh gia Quang Phùng (2013) và nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014).
Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa Lê Xuân Thành phát biểu tại buổi lễ trao giải. |
Sinh ra ở Cẩm Giàng (Hải Dương), nhưng nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân (tên thật là Nguyễn Hữu Thái) tự nhận mình là “người của Hà Nội, sống và lao động như một người Hà Nội đúng nghĩa” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Giang Quân).
Với 70 năm làm việc, cho ra đời 30 đầu sách về Hà Nội như: “Khâm Thiên gương mặt cuộc đời”, “Trò chơi trò diễn dân gian vùng Hà Nội”, “Từ điển đường phố Hà Nội” (sắp tái bản lần thứ 8), “Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ”, “Ký sự địa chí Hà Nội”, “Văn hóa gia đình người Hà Nội”, “Thăng Long Hà Nội nghìn năm truyền thống và thanh lịch”…, nhà nghiên cứu Giang Quân được ví là “cuốn từ điển sống về Hà Nội”.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao giả cho bà Meyer-Zollitsch - Giám đốc Viện Goethe, thay mặt cho TS Michael Waibel (người Đức) đã lên sân khấu nhận giải tác phẩm. |
Các tác phẩm giàu tính địa chí của ông chính là kết quả của một quá trình nghiên cứu, điền dã chỉn chu, bền bỉ về Hà Nội suốt cả cuộc đời; trở thành những cuốn cẩm nang để độc giả có thể tra cứu hay đi sâu vào khai phá các giá trị văn hóa Hà Nội.
Sinh năm 1927, năm nay đã ngót nghét 90, dù tuổi cao sức yếu, đã 3 lần bị tai biến, nhiều ngày phải nằm liệt trên giường bệnh, nhưng tình yêu Hà Nội của ông không vì thế mà ngơi nghỉ. Ông vẫn miệt mài viết sách trên giường bệnh về chủ đề Thủ đô ngàn năm văn hiến. Trong đó, cuốn ông tâm đắc là cuốn về phong tục, tập quán, lễ hội vùng Hà Nội mở rộng, sắp hoàn thành và ra mắt độc giả trong thời gian tới.
Đánh giá về nhà nghiên cứu Giang Quân, GS Phan Huy Lê khẳng định: Ông là người yêu Hà Nội bền bỉ và lặng lẽ. Cả một đời người với hàng chục đầu sách, hàng ngàn bài viết gắn với Thủ đô, ông xứng đáng được giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” ghi nhận.
Cú đúp “Tác phẩm- Vì tình yêu Hà Nội”Lần đầu tiên có một cú đúp trong giải thưởng “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội”. Sự ngoại lệ này thuộc về lĩnh vực “Tác phẩm- Vì tình yêu Hà Nội”. Theo đó, cuốn sách ảnh “Hà Nội Capital” của TS Michael Waibel và cụm tác phẩm “A đây rồi Hà Nội 7 món” (tản văn) và “Cậu ấm” (tiểu thuyết) của nhà văn- nhà báo Trần Chiến; cùng được vinh danh.
“A đây rồi Hà Nội 7 món” và “Cậu ấm” của nhà văn- nhà báo Trần Chiến đều ra đời năm 2014 và đều gây được tiếng vang trong dư luận. “Cậu ấm” (NXB Trẻ) với nhân vật chính là cậu ấm Vận của một gia đình Hà Nội giàu có thế lực, mang trong mình đam mê với ẩm thực Hà Nội, nhưng vấp phải nhiều thăng trầm thời cuộc.
Phải đến thời bình, khi tham gia vào cửa hàng mậu dịch, ông mới thể hiện được tài năng của mình. Nhưng lúc đó, nhân vật cũng là “con chim từng đậu phải cành cong”, sống trong nỗi e dè… Theo Trần Chiến, đó là tâm lý rất phổ biến của thị dân Hà Nội mà ông muốn khắc họa qua tác phẩm. Còn tản văn “A đây rồi Hà Nội 7 món” có thể coi là một tác phẩm nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội, với những điểm nhìn đầy bất ngờ…
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo trao giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội cho nhà văn Trần Chiến. |
Có một điều cũng nên biết để có thể hiểu về sự sâu sắc mà nhà văn Trần Chiến thể hiện trong các tác phẩm của ông: Ông chính là con của nhà sử học Trần Huy Liệu, cháu của học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, đều là hai tên tuổi lẫy lừng trong giới trí thức Việt Nam. Ông từng viết về người cha nổi tiếng của mình trong cuốn sách tiểu sử - hồi ký “Cõi người” (2012).
Còn với tác phẩm “Hà Nội: Capital City” do TS Michael Waibel (Viện Địa lý - Đại học tổng hợp Hamburg) làm chủ biên; đây là cuốn sách bằng ba thứ tiếng (Đức, Việt, Anh), với trên 600 bức ảnh minh họa, phản ánh đời sống muôn mặt của Hà Nội đang phát triển – với những góc nhìn so sánh cũng như trong hình dung của cư dân – nhằm góp phần vào việc bảo tồn vẻ đẹp của thành phố tuyệt vời này.
TS Michael Waibel vốn giảng dạy ở khoa phát triển đô thị của Đại học tổng hợp Hamburg, ông sang Việt Nam nghiên cứu về sự phát triển bền vững của các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cuốn sách này là kết quả nhiều năm ông thâm nhập vào Hà Nội, với cái nhìn chân thực về sự phát triển cũng như triển vọng của Thủ đô trong tương lai…
Bên cạnh hai hạng mục này, giải thưởng “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội” năm nay còn tôn vinh công trình Trung tâm Hà Nội học và Phát triển thủ đô (Đại học Quốc gia Hà Nội và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) trong hạng mục giải thưởng “Việc làm- Vì tình yêu Hà Nội” và Đề án nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên tại Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội trong hạng mục giải thưởng “Ý tưởng- Vì tình yêu Hà Nội”.
Đánh giá về giải thưởng năm nay, nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo của giải thưởng Bùi Xuân Phái 2015 chia sẻ: Giải thưởng Lớn và cá giải thưởng thuộc các hạng mục của giải thưởng Bùi Xuân Phái 2015 đều có giá trị nhân văn và ý nghĩa xã hội cao.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Ủy Hà Nội trao giải việc làm cho đại diện Trung tâm Hà Nội học và Phát triển thủ đô. |
Đặc biệt, việc Hội đồng giám khảo nhất trí trao 2 giải ở hạng mục “Tác phẩm- Vì tình yêu Hà Nội” đã phần nào cho thấy một năm bội thu các tác phẩm Vì tình yêu Hà Nội của các văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội và cả nước, vùng những người nước ngoài yêu Hà Nội.
Còn Tổng biên tập báo Thể thao &Văn hóa Lê Xuân Thành, Trưởng BTC giải khẳng định: Qua kết quả của mùa giải lần 8 năm nay, chúng ta thấy ngọn lửa vì tình yêu Hà Nội vẫn cháy sáng, lan tỏa, trải dài và xuyên suốt nhiều thế hệ, xuất phát và lan tỏa không chỉ từ chính những người Hà Nội, mà còn được thể hiện, thấm đẫm trong những người con không phải sinh ra và trong bạn bè quốc tế.
Điều đó một lần nữa khẳng định rằng: Hà Nội là nơi đáng sống, đáng yêu và thời nào Hà Nội cũng hội tụ được “nguyên khí” của cả trong và ngoài nước, đến sinh sống và cống hiến cho Thủ đô.
“Sứ mệnh của Thể thao & Văn hóa với bề dày hơn ba thập kỷ chuyên về lĩnh vực thể thao và văn hóa, cùng với sự ủng hộ của TTXVN, sự quan tâm của UBND TP Hà Nội là “tinh lọc” cho Thủ đô từ nguồn nguyên khí dồi dào ấy những tình yêu lớn, giữ lửa cho những tình yêu ấy luôn lan tỏa và cháy sáng không ngừng! Sứ mệnh ấy mang tên Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội!”, Tổng biên tập Lê Xuân Thành nhấn mạnh.