Ngày càng nhiều kịch bản phim nước ngoài, nhất là phim Hàn Quốc, được Việt hóa. Liệu điều này có làm nên hướng đi mới của điện ảnh Việt?
Sự bắt chước chưa tới
Nếu cách đây dăm năm, chỉ có một vài bộ phim được Việt hóa và nguồn kịch bản không chỉ từ Hàn Quốc thì hiện nay, ngày càng nhiều kịch bản phim Hàn được Việt hóa. Có thể kể đến những cái tên như “Anh em nhà bác sỹ”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Có lẽ nào ta yêu nhau”… Đặc biệt, chỉ trong tháng 9 này đã có đến ba bộ phim Việt hóa được lên sóng: Anh và em (VTV9), Người mẫu (VTV3); Cầu vồng tình yêu (VTV3).
Một cảnh trong phim “Cầu vồng tình yêu”, một bộ phim được Việt hóa đang được công chiếu trên VTV3. |
Một điểm chung mà các nhà làm phim Việt lựa chọn để Việt hóa phim Hàn chính là các phim Hàn đều rất thành công khi công chiếu. Thế nhưng, khi Việt hóa lại gây thất vọng.
"Anh em nhà bác sĩ" là một trong những bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc mở đầu cho làn sóng Việt hóa phim của xứ sở kim chi trên truyền hình Việt Nam từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, để lại nhiều dấu ấn với công chúng Việt. Tuy nhiên, khi Việt hóa, bộ phim chẳng để lại dấu ấn nào trong lòng khán giả, dù những diễn viên Việt tham gia phim cũng nổi tiếng với những cái tên: Chi Bảo, Minh Luân, Trang Nhung, Minh Thư… Đây cũng là bộ phim được Việt hóa “kỹ lưỡng” với 80% Việt hóa (theo biên kịch Trần Nhã Thụy) nhưng khi xem phim, khán giả có cảm giác như những yếu tố không thể làm được như nguyên mẫu, thì chúng ta “Việt hóa”. Ví như theo nguyên mẫu, có cảnh người em chở quả tim đi máy bay về để thay tim cho anh. Khi Việt hóa, vì không thể có máy bay, nên chúng ta đã để nhân vật phải thay bộ phận khác.
Hay như “Ngôi nhà hạnh phúc”, dù đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đã dùng hai diễn viên Lương Mạnh Hải và Minh Hằng, song vẫn không đem lại thành công như mong đợi. Khán giả vẫn thấy một sự nhạt nhẽo bao trùm cả bộ phim với những cảnh diễn sống sượng. Nhất là quá trình diễn biến tình cảm giữa hai nhân vật đang ghét nhau (Lương Mạnh Hải và Minh Hằng thủ vai) chuyển sang yêu nhau không có chút nào thuyết phục. Song, hai bộ phim trên vẫn chưa phải là những phim Việt hóa đáng chê nhất.
Nếu nói đến nỗi thất vọng lớn nhất trong việc Việt hóa phim Hàn, phải kể đến "Có lẽ nào ta yêu nhau" (đạo diễn Tống Thành Vinh). Bộ phim truyền hình nhiều tập được dựng từ kịch bản "Anh em sinh đôi” của Hàn Quốc. Nếu như ở phim gốc là câu chuyện xúc động về cô bé đi tìm người anh song sinh và người cha thất lạc của mình với nhiều tình tiết éo le, cảm động, thì tới phiên bản Việt, cốt truyện thiếu kịch tính, mạch phim cứ chậm chạp trôi theo những khung ảnh dài dòng, không điểm nhấn, gây sự nhàm chán cho người xem. Không chỉ có vậy, các nhân vật trong phim đều rời rạc, tính cách thuộc diện "không thể hiểu nổi". Chưa kể, ở phim gốc, khán giả nhận thấy mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên trong gia đình thì ở phim Việt hóa chỉ thấy sự giàu có, xa hoa, khác xa với đời thực.
Sự bế tắc trong sáng tạo nghệ thuật?
Việc Việt hóa phim nước ngoài được nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho rằng đó là sự bế tắc trong sáng tạo nghệ thuật. “Trong việc làm phim, chúng ta có trình độ kỹ thuật, kinh phí, trình độ diễn xuất… tất cả mọi thứ đều kém hơn bạn, thì việc làm theo thành công của bạn chỉ là sự bắt chước” - ông Tuấn khẳng định.
Dù không nghiêm khắc như nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, song đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng cho rằng: “Việc mua kịch bản, nếu ở một nước có nền công nghiệp điện ảnh, kịch bản mua được làm tốt thì vẫn chấp nhận được. Nhưng ở Việt Nam thì chúng ta Việt hóa rất sống sít, không ổn”. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng chia sẻ: “Nếu chúng ta Việt hóa nó tốt thì cũng không làm sao cả đâu. Nhưng để sử dụng những kịch bản đó lại phải cần có nghề, có đội ngũ biên kịch tốt. Tiếc là việc đó ở Việt Nam tồi quá”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng cho hay, ngay cả với Mỹ, quốc gia có nền điện ảnh phát triển bậc nhất thế giới thì họ cũng có mua kịch bản phim Hàn. Đặc biệt là với những kịch bản phim gia đình, vì đây là một điểm yếu của các nhà biên kịch Mỹ. Song, họ đã Mỹ hóa thành công và tạo nên sự chuyển biến trong xã hội về nhận thức đối với cuộc sống gia đình. Còn với điện ảnh Việt, chúng ta cứ Việt hóa những bộ phim tình yêu, những bộ phim không rõ rệt sự ảnh hưởng, nên chỉ tạo nên sự nhàm chán.
Để làm phim Việt hosóa tốt hơn, theo nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, các nhà làm phim cần chú ý yếu tố tâm lý. Với những bộ phim dài tập được Việt hóa, khi mà công chúng đã biết nội dung, cốt truyện, thì điều thu hút duy nhất khán giả ngồi lại trước màn hình chính là cách diễn xuất của diễn viên. Song khán giả cũng biết, thực tế hiện nay, trình độ diễn xuất của diễn viên Việt Nam đang ở đâu với những “bình hoa di động”, với những “người mẫu đóng phim” tràn lan trên màn ảnh. Cộng hưởng của một dàn diễn viên đẹp nhưng chưa biết diễn với một kịch bản vay mượn thì mãi mãi, cảm giác xem những bộ phim Việt hóa chỉ như xem hàng nhái!
Hạnh An