Khi không khí mùa xuân đang gõ cửa từng nhà, cũng là lúc các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tất bật chuẩn bị để ra mắt khán giả trong dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, có rất nhiều chương trình đã được chuẩn bị công phu, hứa hẹn một “thực đơn” nghệ thuật phong phú và hấp dẫn.
Sôi động các hoạt động văn hóa nghệ thuật
Tại Hà Nội, trong suốt những ngày Tết Nguyên đán, nhiều bộ phim Tết Việt cùng với những bộ phim nước ngoài đặc sắc sẽ công chiếu phục vụ khán giả. Trung tâm văn hóa Kim Đồng sẽ công chiếu hai bộ phim 4D “Vũ trụ huyền ảo” và “Ngôi nhà ma quái”. Những khán giả yêu ánh đèn sân khấu sẽ đón năm mới với chương trình hài “Bắc Nam cười đón xuân” vào ngày 30/1 tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội. Trong chương trình này, khán giả sẽ gặp lại “cặp đôi nghèo khổ” NSƯT Xuân Hinh - NSƯT Thanh Thanh Hiền trong tiểu phẩm hài “Người ngựa - ngựa người”, gặp lại MC Trấn Thành và NSƯT Hồng Vân trong tiểu phẩm “Ông mất gà, bà mất nết” và được xem các nghệ sỹ hài Đức Hải, Xuân Bắc, Vân Dung, Tự Long, Quang Thắng, Ngọc Bích… biểu diễn.
Trong 2 ngày 28-29/1 (tức mùng 6, 7 Tết âm lịch), Bảo tàng dân tộc học Việt Nam sẽ mở cửa đón du khách tới tham dự Hội vui xuân Tết Nhâm Thìn 2012. Năm nay, Bảo tàng tập trung giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, đặc biệt của đồng bào các dân tộc. Du khách có cơ hội tiếp cận trực tiếp một số nét văn hóa cổ truyền của vùng đất tổ Phú Thọ như: Bắt chạch trong chum, làm bánh tai, múa hát, đi cà kheo, thả đũa vào chai của người Cao Lan, nghe hát xoan, ca trù, xem biểu diễn rối nước... cùng nhiều trò chơi dân gian, dân tộc hấp dẫn...
Tại Lào Cai, có rất nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc sẽ diễn ra trong dịp đầu xuân năm mới như dạ hội đón giao thừa, các hoạt động vui chơi, giải trí dịp Tết, các lễ hội mùa xuân của đồng bào. Đặc biệt, từ ngày mồng 3 Tết đến hết ngày 13 tháng Giêng (âm lịch), Trung tâm Phát hành phim - Chiếu bóng Lào Cai sẽ tổ chức chiếu phim công nghệ 3D tại các huyện Sa Pa, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai.
Với những người chọn di sản văn hóa thế giới - phố cổ Hội An làm điểm đến cho những ngày nghỉ Tết năm nay cũng sẽ có dịp tham gia vào nhiều hoạt động vui xuân đặc sắc. Trong khuôn khổ “Hội đèn lồng Hội An lần thứ IV”, phố cổ sẽ “ngập” trong đèn lồng với đủ các loại đèn lồng được trưng bày từ đêm 21/1 đến ngày 6/2/2012 (tức đêm 28 tháng Chạp năm Tân Mão đến đêm 15 tháng Giêng năm Nhâm Thìn). Xuyên suốt dịp Tết tại đây cũng diễn ra nhiều hoạt động đón xuân thú vị như: Thi dựng cây nêu, thi đấu cờ người, thi “Duyên dáng tuổi 40”, Gala các gương mặt hài…
Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài những hoạt động lớn như đường hoa Nguyễn Huệ, điểm đến hấp dẫn của người dân TP và du khách trong những ngày Tết, Hội hoa xuân sẽ được tổ chức tại Công viên Tao Đàn từ ngày 18-28/1/2012 (từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 6 Tết), lễ hội “Đường sách Tết Nhâm Thìn 2012” tại TP Hồ Chí Minh, diễn ra từ 27 tháng Chạp đến hết mùng 4 Tết... tại các khu du lịch Suối Tiên, công viên văn hóa Đầm Sen, khu du lịch Đại Nam… nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng được tổ chức để chào mừng mùa xuân mới 2012.
Sân khấu tại TP Hồ Chí Minh cũng sáng đèn liên tục trong những ngày này, với nhiều vở kịch mới phục vụ khán giả Tết Nhâm Thìn. Những vở kịch mới như “Tía ơi…má về!”, “Một ngày làm vua” sẽ biểu diễn luân phiên tại Nhà hát Bến Thành từ mồng 1 Tết. Các vở “Lẩu trăn”, “Tôi là ai?” sẽ thường xuyên sáng đèn tại sân khấu kịch Idecar. Sân khấu kịch Phú Nhuận sẽ trình làng 2 vở diễn mới: “Ma sói” và “Tôi là gay”, bên cạnh những vở được nhiều khán giả yêu thích như “Người vợ ma”, “Căn hộ 404”, “Cô gái ăn cắp” và “Con nhà nghèo”.
Nhiều chương trình truyền hình hấp dẫn
“Đặc sản” Táo quân - Gặp nhau cuối năm sẽ lên sóng VTV, đề cập đến nhiều vấn đề từ vĩ mô như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những câu chuyện thời sự nóng bỏng như cháy nổ xe máy, bản quyền bóng đá, phí tham gia giao thông, quá tải bệnh viện, điện lực, những điểm nóng của giáo dục năm qua như bố trí giờ học giờ làm, chuyện nghệ sỹ ăn mặc phản cảm... Sau Táo quân, Gala Chào Xuân Nhâm Thìn - một chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp quy mô và hấp dẫn hướng về chủ đề ngày Tết dân tộc.
Ngoài ra, nhiều phong tục lạ trong ngày xuân của đồng bào các dân tộc như lễ gội đầu, gọi là “Lúng ta” của người Thái, những trò chơi dân gian của người Mông, hay chương trình “Du xuân khám phá văn hóa vùng miền” sẽ đưa khán giả đến với những nghi lễ linh thiêng, huyền bí của đồng bào Thái trước thời khắc Giao thừa; trò chơi dân gian mang tính thượng võ và đậm chất núi rừng, lễ hội sôi động và hùng tráng của đồng bào Tây Nguyên; sự hội tụ tinh hoa, giá trị mĩ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm qua lễ hội Katê.
Phương Hà