Dù đã là mùa thứ 3 liên tiếp đăng cai tổ chức Liên hoan phim tài liệu quốc tế nhưng nhiều khán giả và giới chuyên môn vẫn cảm thấy không khỏi lo lắng cho hiện trạng của phim tài liệu của Việt Nam hiện nay. Thật khó để tìm thấy trong số gần 10 phim được trình chiếu xen kẽ cùng những phim tài liệu quốc tế dấu ấn hay sự sáng tạo độc đáo nào đến từ những đạo diễn Việt.
Một điều không thể phủ nhận là ở cả ba kỳ liên hoan, khán giả Việt đã được tiếp cận với một làn sóng phim tài liệu hoàn toàn mới mẻ và khác lạ so với hệ thống phim tài liệu Việt Nam hiện nay. Nó như một luồng sinh khí mới mẻ thổi vào bức tranh nhàn nhạt trong hiện thực làm phim tài liệu của chúng ta, đồng thời cũng chứng tỏ khán giả Việt, công chúng Việt cần những tác phẩm thực sự có giá trị.
Đạo diễn Nguyễn Thước chỉ đạo một cảnh quay trong phim “Đất lạnh”. |
Theo dõi cả ba kỳ liên hoan mới thấy thực tế đáng buồn là các đạo diễn Việt đi lại lối mòn xưa, giẫm lại vết chân của người đi trước. Không hiểu sau ba kỳ liên hoan này, đơn vị tổ chức hay các nhà làm phim tài liệu Việt Nam có rút ra được những bài học kinh nghiệm nào cho bản thân mình và cách thức chọn lựa tác phẩm để đồng hành cùng phim của bạn bè quốc tế hay không, nhưng có thể khẳng định một điều phim tài liệu Việt đang rơi vào cái bẫy của sự rườm rà, nhàm chán và hết sức giáo điều. Những câu chuyện với cách kể còn hết sức ngô nghê, nặng về lời bình và phim nào cũng giống phim nào là điểm không khó để “bắt” lỗi trong tất cả các phim tham dự liên hoan hai mùa trước và cả mùa thứ ba này.
Vốn tự hào rằng chính phim tài liệu đã đưa cái tên của các nhà làm phim Việt Nam vươn ra thế giới, nhưng có thể nói đến nay sở trường làm phim tài liệu chinh phục khán giả quốc tế dường như đã không thể gánh vác được hết trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của mình. Trong gần một thập kỷ trở lại đây, hiếm như “bắt được vàng” khi tìm thấy một phim tài liệu nhựa nào đặc biệt mới mẻ, đậm đặc phong cách cá nhân.
Thậm chí với cả những tác phẩm đã đạt giải thưởng trong nước như: Cánh diều vàng hay Bông sen vàng… thì phim tài liệu cũng vẫn chỉ dừng ở mức giới hạn kể cho người Việt nghe câu chuyện của dân tộc bằng những mảng miếng hết sức cũ kỹ. Việc đưa bộ phim Đất lạnh - đạo diễn Nguyễn Thước (Hãng phim tài liệu khoa học - trung ương) từng giành giải Bông sen vàng thể loại phim tài liệu tại LHP Việt Nam lần thứ 16 vào để trình chiếu bên cạnh bộ phim Mumbai - Đứt kết nối của 2 đạo diễn Camilla Nielsson, Frederik Jacobi như một minh chứng điển hình cho sự khác biệt giữa hai nền điện ảnh, hai cách thức làm phim và hai tư duy nghệ thuật trong xu thế làm phim tài liệu hiện đại. Trong dòng chảy của đô thị hóa, vấn đề mà hai nhà làm phim Đan Mạch đưa đến cho công chúng Việt Nam là thực trạng chuyển mình nhanh chóng không chỉ diễn ra ở chính các siêu đô thị lớn nhất thế giới mà còn nằm trong chính vấn đề của Việt Nam. Có lẽ vì vậy bộ phim này khiến nhiều khán giả khá thích thú khi đạo diễn đi vào ba câu chuyện với những nhân vật hết sức gần gũi. Người ta bắt gặp hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ trong những kết nối mang tên Mumbai. Đó chính là sức mạnh và khả năng kể câu chuyện xuyên biên giới của các nhà làm phim quốc tế. Họ chọn vấn đề chung của toàn cầu và phản ánh nó chân thực bằng chính những lời kể của mỗi số phận, mỗi con người trên từng vùng lãnh thổ. Sự lan tỏa của một câu chuyện phi giới hạn đã làm nên giá trị, vẻ đẹp và sức sống tiềm tàng cho mỗi bộ phim. Thế nhưng sau khi xem xong Mumbai - đứt kết nối, khán giả được chuyển mạch trở về với chính quê hương của mình thì nhiều người lại tỏ ra ngán ngẩm, đứng dậy đi về. Đơn giản bởi công chúng khó có thể tiếp tục nuốt trôi món lẩu thập cẩm mà họ phải ăn trong cả tuần diễn ra liên hoan phim. Đất lạnh dù gặt hái giải thưởng cao nhất tại một LHP quan trọng trong nước thì vẫn hoàn toàn bị lép vế và tỏ ra đuối sức trước người bạn lớn Đan Mạch.
Đi tìm những giá trị sự thật cũng là một khẩu hiệu được khá nhiều nhà làm phim tài liệu Việt Nam hay dùng. Thế nhưng, sự thật ấy có thực sự khiến khán giả hài lòng và cảm thấy có thể chia sẻ với mỗi cuộc đời, mỗi số phận của nhân vật hay không sẽ còn phải bàn xét. Những bộ phim như: Hãy nói – Đào Thanh Tùng và Phan Huyền Thư, Điệu múa cổ - Nguyễn Văn Hướng, Khoảng cách – Trần Phi, Lời ru thì buồn – Nguyễn Quý Mạnh Ninh, Mạc Văn Chung… đều chưa chạm đến tầng sâu nội tâm người xem và thể hiện rõ sự vụng về trong chuỗi hình ảnh kết nối, ngôn ngữ của thể loại tài liệu. Đề tài loanh quanh trong vài ba vấn đề mang tính xã hội, cách thể hiện sáo mòn với những quan điểm chủ yếu dựa trên số đông quần chúng. Bộ phim Lời ru thì buồn - đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Ninh và Mạc Văn Chung - dài gần 30 phút khai thác một vấn đề nóng bỏng và khá nhức nhối tại một vùng quê nhỏ ở Hải Phòng - nơi mà trình độ dân trí vẫn còn khá thấp. Việc nhiều phụ nữ, những cô gái mới lớn ở đây nô nức đi tìm chồng ngoại để mong đổi đời đã được khắc tả bằng những vụng về và sự thiếu lô gic trong mạch kể câu chuyện. Khó có thể tìm ra ở bộ phim một sự thống nhất về phong cách khi từ đầu cho tới cuối đạo diễn chỉ lấy tiếng đè hình, thỉnh thoảng đan xen vài mẩu phỏng vấn gây cười từ chính người trong cuộc. Thật khó để có thể nhìn thấy một sự phá cách nào từ chính người làm phim khi mà khuôn mẫu của những quy phạm, giới hạn vô hình chung đã ăn sâu vào tiềm thức của chính những người làm phim.
Có thể thấy rõ vấn đề phim tài liệu Việt Nam không hay, không sâu và thiếu những phá cách, thiếu ngôn ngữ sáng tạo nằm trong chính bản thân những người làm phim. Họ thiếu táo bạo, thiếu quyết liệt khi đi tìm những đề tài hay, thiếu khả năng dám từ bỏ một con đường cũ để xoay sở bước sang một con đường khác. Một điều nữa cũng đang cản trở đến chất lượng các phim tài liệu hiện nay chính là sự sáo mòn trong cách tiếp cận vấn đề. Sau biết bao nhiêu năm, đội ngũ các nhà làm phim tài liệu từ già – trẻ, cũ – mới… đều như không thay đổi phương pháp tiếp cận vấn đề, tiếp cận nhân vật của mình. Bởi vậy, chắc còn cần một thời gian dài và rất nhiều nỗ lực nữa để phim tài liệu VN có thể hội nhập quốc tế.
Hương Giang