Một buổi chiều cuối xuân, tôi đến thăm NSND Đình Quang (ảnh). Ông ngồi nói chuyện với tôi trong căn phòng treo đầy tranh của những họa sĩ nổi tiếng mà ông sưu tầm được. Trước gian phòng là chiếc đàn Piano, vật kỷ niệm ông bà còn giữ lại mà cô con gái Mỹ Linh chơi từ thuở nhỏ, giờ đây chị đã là một nhà báo, BTV Truyền hình phụ trách chuyên mục “Nhân vật - Sự kiện - Bình luận” rất sắc sảo.
NSND Đình Quang sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha ông vốn là một y sĩ giỏi chữ Hán, giỏi tiếng Pháp, mẹ ông là con gái của Quan Án sát tỉnh Ninh Bình. Ở gần nhà thờ Phát Diệm nên gia đình NSND Đình Quang theo đạo Thiên Chúa. Mặc dù là thờ Chúa nhưng tâm ông lại hướng đến đạo Phật như một cách nuôi dưỡng cho cái tâm thanh thản. Ông kể lại rằng, cách đây 70 năm, khi ông mới lên 10 tuổi, chiều chiều bố ông thường bắt ông chạy quanh sân cho khỏe. Bố ông bảo, nhỡ sau này khó khăn, có sức khỏe thì kéo xe nuôi thân cũng không sợ chết. Cậu bé Đình Quang hồi đó hỏi bố: “Nếu con chịu khó học hành không đến nỗi phải kéo xe thì làm gì?”. Cụ bảo: “Có ba nghề mà con có thể theo học: Thầy thuốc để cứu người, thầy cãi (trạng sư) để bênh người oan ức, thầy giáo hoặc văn nghệ sĩ để giáo dục nâng cao trí tuệ và tâm hồn con người!”. Nghe lời khuyên của cha, chín người anh em trai gia đình ông đều làm thầy giáo và văn nghệ sĩ. Anh cả của ông là GS Nguyễn Lương Ngọc, người chủ xướng của nhóm “Xuân thu ngũ tập” và khai trương cho môn Lý luận ở bậc đại học. Anh thứ Nguyễn Đình Tiên là tác giả của cuốn “Chân dung Tướng ngụy Sài Gòn” và bài thơ “Dặm về”, em ông là Nguyễn Ngọc San, là Giáo sư cổ văn và Hán Nôm…
NSND Đình Quang thì được biết tới như là một cánh chim đầu đàn của sân khấu nước nhà. Ông được đào tạo bài bản và kỹ lưỡng về sân khấu tại Học viện Hý kịch Trung ương Bắc Kinh. Sau đó ông tiếp tục tu nghiệp bằng tiến sĩ ở Đại học Humboldt ở Béclin. Ông đã có những thành tích thực sự nổi bật mà không phải ai, trong cả chặng đường đời mình sống và cống hiến có thể làm được nhiều việc đến vậy. Ông được học trò gọi là người “4 trong 1”, vừa là một nhà sư phạm trong vai trò Hiệu trưởng đầu tiên của Phân hiệu kịch nói và Trường Đại học Sân khấu điện ảnh với những học trò lừng danh như NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Đoàn Dũng, NSƯT Minh Ngọc, NSND Thế Anh, NSƯT Mỹ Dung, NSND Doãn Châu… ; là nhà lý luận với những công trình như: “Mấy vấn đề về nghệ thuật biểu diễn” (1962), “Kỹ thuật tâm lý diễn viên” (1968), “Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý” (1978), “Sân khấu tiểu luận” (1975), “Phương pháp sân khấu Bectôn Brếch” (1983), “B.Brecht und das Theater Vietnam” (tiếng Đức - 1989), “Bàn về sân khấu tự sự” (1982), “Sân khấu Việt Nam” (1998), là một nhà văn hóa với các công trình: “Còn văn hóa còn nhân loại”, “Văn hóa và sự phát triển nhân cách”, “Nhận thức và xử lý văn hóa trên thế giới”, “Văn học nghệ thuật và sự hình thành phát triển nhân cách”, “Văn học nghệ thuật Thăng Long - Hà Nội quá khứ và hiện tại”, “Nghệ thuật Việt Nam với sự phát triển nhân cách và văn minh Việt Nam”... là một nghệ sĩ với hàng chục vở diễn do ông dàn dựng như “Hão”, “Bệnh sĩ”, “Đại đội trưởng của tôi…”, là nhà quản lý với chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa trong giai đoạn đất nước bắt đầu tiến hành cuộc đổi mới. Ngoài ra, ông còn là nghệ sĩ ngâm thơ, là nhà văn với những kịch bản, truyện ngắn, bút ký…
NSND Đình Quang tâm sự rằng, nghệ thuật kéo người ta lại gần nhau hơn, cũng chính nghệ thuật đã cho ông gặp nhiều kẻ sĩ có nhân cách lớn để mà học hỏi, ứng xử trong cuộc đời, để mà bày dạy cho con cháu mai sau. Ông kể tiếp, có lần, nhà văn Nguyễn Tuân rủ ông đến thăm nhà văn Nguyễn Lương Ngọc đang ốm. Ông đèo Nguyễn Tuân đến đầu phố, cách nhà Lương Ngọc mấy sải chân, thì đột nhiên Nguyễn Tuân vỗ vỗ vào lưng đòi quay xe lại. Suốt đường về hai người không nói với nhau câu nào. Lên đến căn gác nhà Nguyễn Tuân, ông mới thủng thẳng nói: “Bản tính Lương Ngọc nó là tài tử và lãng mạn. Mấy chục năm làm thầy thôi sĩ, nó phải mô phạm, phải ép xác. Gặp nhau thể nào nó cũng hỏi chuyện về giới chúng mình. Không kể thì không được mà kể thì nó lại thèm, lại nhớ. Thôi già rồi, để cho nó được sống yên một bề, kẻo tội…”.
Giờ đây, ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng NSND Đình Quang vẫn hàng ngày vào Internet “lướt web”. Trước khi đi ngủ bao giờ ông cũng đọc sách, những cuốn sách chuyên luận và các tập truyện ngắn, tiểu thuyết cũng có, đấy là chưa kể, ông còn đọc, nhận xét hàng chục tập kịch bản của học trò… của học trò. Tuy nhiên, trong câu chuyện người thầy tuổi 82 ấy thổ lộ rằng ông đang có một nỗi buồn, nỗi cô đơn vì những người cùng thời với ông đều đã lần lượt ra đi vào cõi vĩnh hằng. Ông bảo, sống lâu chưa chắc đã sướng, bởi vì người ta phải chạm vào một nỗi cô đơn không gì che lấp được. Lớp trẻ hậu thế ít người biết đến thế hệ ông, chứ chưa nói đến việc chuyện trò… Những người bạn tri âm thì đã nằm xuống dưới những tấc đất sâu, thậm chí, những người học trò của ông, cũng nhiều người đã về nơi chín suối. Ông bảo rằng, càng ngày, ông càng thấm thía câu nói của nhà văn Nguyễn Tuân trong đám tang ông Chu Ngọc: “Ai rồi cũng đi thôi, nhưng cái kiếp chúng mình ra đi trước vợ thì đỡ khổ hơn…”. Ngày đó, ông không hiểu hết ý, do dự mãi sau này ông mới dám hỏi bà vợ của Nguyễn Tuân, bà bảo rằng, Nguyễn Tuân day dứt điều đó bởi một lẽ, nếu ông ấy đi trước bà thì bà buồn nhưng không khổ vì bà còn tự biết lo cơm cháo mà ăn, còn nếu bà đi trước ông thì không những buồn mà còn khổ nữa, vì ông chẳng biết tự lo sống thế nào.