Ngày xuân ngẫm nghĩ từ Kiều: Ngồi để ra oai

Với con người, ngồi là một trong bốn trạng thái tĩnh: Nằm, ngồi, quỳ, đứng. Tiểu tiết ra, mỗi trạng thái ấy được chia ra những tư thế khác nhau. Nằm thì có nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp; ngồi bao gồm ngồi bệt, ngồi xếp bằng, ngồi ghế, ngồi ngựa; quỳ thì có quỳ gập, quỳ đứng…

Ta biết rằng, khi muốn hạ thấp mình trước người khác để van xin, người ta thường quỳ. Thế thì, muốn thể hiện oai phong của mình, nói gọn lại là ra oai thì người ta thường giữ mình ở trạng thái nào? Trong đời thì có thể phức tạp hơn, chỉ trừ trạng thái quỳ, còn đứng, ngồi, nằm đều có thể giương oai. Nhưng trong Truyện Kiều, các nhân vật của cụ Nguyễn Du thường dùng trạng thái ngồi để ra oai với người khác.

Trước hết phải kể đến gã Mã Giám Sinh, đã ngoại tứ tuần, tay buôn người chuyên nghiệp, đóng vai một lão nhà giàu đi tìm thiếp. Hình thức “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” gã thấy chưa đủ để giương oai khi vào nhà Thúy Kiều, thế thì phải làm thế nào đây để ra oai? Gã nghĩ ngay đến cái ghế, nghĩ đến chỗ ngồi. Thế là gã leo ngay lên ngồi ở chiếc ghế cao nhất, mặc dù cụ Nguyễn Du chỉ dùng hai chữ “ghế trên”, nhưng với cái thái độ “ngồi tót sỗ sàng” của gã, ta tin rằng, cái ghế gã chọn là cái ghế cao nhất, mà gã cho là oai nhất. Chỗ gã ngồi là ghế trên, cách gã ngồi là “ngồi tót”, đó là chỗ ngồi và tư thế ngồi mà gã tin là oai lắm khi nàng Kiều theo bà mối từ buồng trong bước ra trình diện.

Kế đến là mụ Tú Bà. Khi Thúy Kiều theo Mã Giám Sinh suốt một tháng ròng từ Bắc Kinh đến Lâm Tri, mụ Tú Bà “lơi lả han chào” ra điều thân thiện lắm, rồi đưa nàng vào lạy “hương hỏa gia đường”. Xong việc ấy, Tú Bà cần ra oai với Thúy Kiều để cho nàng hiểu phận sự của mình và thứ bậc trong nhà, thế là “Tú Bà vắt nóc lên giường ngồi ngay” và bắt Thúy Kiều lạy mình. Phải chăng chính Nguyễn Du đã sáng tạo ra hai chữ “vắt nóc” chưa từng có trong từ điển xưa nay để chỉ một kiểu ngồi trịch thượng, tỏ vẻ oai phong.

Sau khi bọn Khuyển Ưng đánh thuốc mê bắt Thúy Kiều đưa về Vô Tích, và bị dẫn giải đến trình bà mẹ của Hoạn Thư, Thúy Kiều bàng hoàng vì dinh cơ của gia đình Thượng thư bộ Lại, có tòa rộng dãy dài, và hãi hùng nhất là cảnh này:

Ban ngày sáp thắp hai bên
Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà!


Tất nhiên là sinh hoạt của gia đình quyền quý khác người thường, có nến thắp giữa ban ngày, nhưng cái chuyện bà vợ quan Thượng thư ngồi trên giường thất bảo, đâu phải là chuyện thường trực, mà ở đây bà dùng cái cảnh giàu sang và thế ngồi của mình để ra oai với Thúy Kiều, khi vừa tỉnh thuốc mê theo gia nhân lên trình diện bà. Nếu như Kiều gặp bà ở hành lang hay trong vườn thì làm sao có ấn tượng hãi hùng như thấy bà ngồi trên giường thất bảo, hai bên thắp nến. Thế là bà dùng thế ngồi để ra oai đã đạt hiệu quả.

Từ Hải cũng thể hiện oai phong bằng dáng ngồi sau khi thắng trận trở về. Nhưng tướng quân không ngồi trên ghế như Mã Giám Sinh, không ngồi trên giường như Tú Bà hoặc bà mẹ Hoạn Thư, mà ngồi… trên mình ngựa:

Kéo cờ lũy, phát súng thành
Từ Công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài

“Ra ngựa” là ngồi trên mình ngựa, Từ Hải oai phong đi đón Thúy Kiều.
Thúy Kiều có biết bao lần ngồi buồn, ngồi nhớ… duy có một lần ngồi đầy oai phong. Đó là lần báo ân, báo oán:

Trướng hùm mở giữa trung quân
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.

Rõ ràng đây là lần duy nhất Thúy Kiều có quyền sinh, quyền sát là khi nàng ngồi bên cạnh Từ Hải như vị quan tòa giữa thanh thiên bạch nhật.
Phải chăng, đối với các nhân vật trong Truyện Kiều, “muốn oai thì chọn thế ngồi ra oai”?

Vương Trọng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN