Nhiều người nói “Song xưa phố cũ” là sản phẩm của một tay mơ, phiêu lưu với tình yêu lãng đãng. Nhưng thực sự, đó là kết tinh của quá trình hơn một thập kỷ rưỡi ngược xuôi bền bỉ khắp các ngõ ngách Hà Nội của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế (ảnh), chỉ để nghiên cứu về những hoa văn, song sắt (hay nói như cách gọi của anh là những “hàng mi thép”).
“Cuốn sách nghiên cứu giàu cảm xúc”
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư - nhận định về Trần Hậu Yên Thế và “Song xưa phố cũ” từ trước khi cuốn sách được trao giải ở hạng mục “Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội” của giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”: Công trình của Trần Hậu Yên Thế hẳn không phải là một tuyển tập tổng hợp. Đó là một công trình nghiên cứu vi lịch sử mỹ thuật công phu, tỉ mẩn và có hệ thống. Tuy nhiên đây là số ít cuốn sách nghiên cứu giàu cảm xúc, dễ đọc, dễ cảm. Nên “Song xưa phố cũ” là món quà vô giá của giới nghiên cứu mỹ thuật dành cho những người yêu kiến trúc, quy hoạch đô thị Thủ đô.
Hẳn vậy, cuốn sách nghiên cứu từng hoa văn, đường cong của hoa sắt Hà Nội, khiến nhiều người đọc mê mẩn những thứ vẫn tồn tại quanh mình, khắp những ngôi nhà, góc phố. Song, những nét đẹp vàng son của thành phố được mệnh danh là “Paris của phương Đông” ngày nào dường như đã khuất lấp nhiều giữa mạch đời hối hả.
Trần Hậu Yên Thế không phải người hoạt ngôn. Nhưng khi hỏi về những nét đẹp của phố cũ, song xưa, anh hứng thú lạ. Anh lý giải về cảm xúc đặc biệt của mình trong cuốn sách: “Song xưa phố cũ” là cuốn sách lưu giữ một phần vẻ đẹp của Hà Nội, có thể nói nôm na là cái răng cái tóc của Hà Nội: Những hàng rào, những cánh cổng, cửa đi, cửa sổ, ô gió, lan can ban công.
Khu tập thể mà tôi lớn lên cũng như những căn nhà ở Kim Liên, Giảng Võ, Thanh Nhàn, Thanh Xuân… có hình khối đơn giản, màu sắc nghèo nàn và sắt thép của các song cửa thì giống hệt nhau, luôn là những đường thẳng lạnh tanh. “Có thể đó là may mắn chăng do không phải là giai phố, người Hà Nội gốc, nên tôi có được những xúc cảm đặc biệt với hệ thống trang trí kiến trúc ở khu phố Tây và khu phố cổ. Thật may mắn vì nghề nghiệp đào luyện tôi khả năng lưu giữ những ký ức thị giác vì những nét đẹp xưa nay phai lạt nhiều”, Trần Hậu Yên Thế cho biết.
Sắt thép cũng thật mong manh...
Trong cuốn sách của mình, bên cạnh việc phục cổ, “tái sinh” những hoa sắt tinh tế của đất Thăng Long - Kẻ Chợ, Trần Hậu Yên Thế cũng khéo léo gắn kèm những thông điệp buồn về những biến thiên (đôi khi là mất chất) của diện mạo Thủ đô. Trong buổi tọa đàm về cuốn sách “Song xưa phố cũ” tại Trung tâm Văn hóa Pháp cách đây ít lâu, Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: “Những gì được thấy về nghệ thuật hoa sắt trong cuốn sách này giúp ta mường tượng phần nào phố xá ngày xưa. Người Việt vẫn nói nhà cửa, đây là hai chữ Nhà và Cửa ghép lại mà thành. Thời thế đổi thay, người xưa đi mất, cửa cũ không còn, phố phường đã thay hình đổi dạng. Sắt thép tưởng thật chắc bền, nhưng trong cơn lốc thương mại hóa vỉa hè, mặt tiền thành tiền mặt. Sắt thép cũng thật mong manh”.
Bìa cuốn sách “Song xưa phố cũ”. |
Lời phát biểu thủ thỉ như lời tâm tình, song cũng nặng nề tựa tiếng thở dài nặng nề của thời đại. Nhưng cuốn sách không chỉ gửi gắm nỗi buồn. Nó còn chứa đựng bao nét đẹp của kinh kỳ những ngày xưa cũ: “Cuốn sách là những mảnh vụn của một Hà Nội xưa còn sót lại sau bao thăng trầm của chiến tranh và loạn lạc, là những câu truyện rời rạc về lịch sử của những ngôi nhà”, Trần Hậu Yên Thế nói - “Có thể nhận ra vẻ đẹp trải qua tháng năm của những cánh cổng ô cửa, ban công hoa sắt của Hà Nội. Trước hết “Song xưa phố cũ” là cuốn sách về lịch sử mỹ thuật, kiến trúc của thủ đô, nhưng phía sau những song hoa ấy là thân phận con người. Đằng sau vẻ đẹp tài hoa đó là phẩm giá, là tâm hồn Hà Nội, là một chút hương thầm, sắc ẩn còn vương lại, dẫu rằng nó bất chợt thoảng qua, rất khó nhận ra trong tiếng ồn và mùi khói từ thập cẩm các phương tiện giao thông và biển hiệu quảng cáo hôm nay”.
Không dừng lại ở “Song xưa phố cũ”, những vẻ đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến vẫn luôn là đề tài lôi cuốn nhà nghiên cứu mỹ thuật trẻ. Trong cuộc trò chuyện với báo Tin Tức, Trần Hậu Yên Thế cũng chia sẻ dự án nghiên cứu về những thay đổi của nhà mặt phố của anh. “Vẫn là nét đẹp bảng lảng của thời xa vắng nhất khứ bất phục hoàn của Hà Nội buổi giao thoa cùng với nỗi buồn sâu thẳm trước những đổi thay vũ bão của kiến trúc Thủ đô. Đặc biệt là những biển quảng cáo, những nhà siêu mỏng, siêu méo làm vỡ vụn kiến trúc Hà Nội”, Trần Hậu Yên Thế nói.
Mỹ Việt