Nhà ga này nằm trên tuyến Arbat-Pokrovsk màu xanh dương, giữa các ga Kursk và Arbat. Khai trương ngày 13/3/1938, nhà ga do kiến trúc sư Alexei Dushkin thiết kế theo phong cách vòm.
Được xem như một di sản văn hóa, trong hốc các mái vòm ngăn giữa sảnh chính và sảnh chờ tàu điện ngầm là 76 bức tượng đồng nổi bật của nhà điêu khắc Matvey Manizer, mô tả lịch sử Liên Xô, từ những bức tượng của Cách mạng tháng Mười cho tới cuộc sống hạnh phúc sau đó dưới chế độ XHCN.
Ban đầu, tất cả có 80 bức tượng đồng, cứ 4 bức thể hiện một hình tượng. Tuy nhiên, sau khi sảnh phía Đông được xây dựng năm 1947, 4 bức tượng đã được gỡ. Phần dưới của nhà ga lát đá cẩm thạch màu sẫm, các tác phẩm điêu khắc được đặt trong các vòm đỏ sẫm, tạo nên gam màu “cách mạng” uy nghi. Để những bức tượng lớn này nằm gọn trong không gian hẹp, nghệ sĩ đã tạo cho chúng tư thế “gò bó” và không một bức tượng nào đứng thẳng.
Đối với người dân Moskva, quần thể tượng đồng này không chỉ là “phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật XHCN”. Kể từ khi khai trương, không rõ từ đâu, nhiều người tin rằng đây là những bức tượng may mắn, và “phong tục” xoa tay vào bức tượng để cầu may cũng xuất hiện từ đó.
Một trong những tác phẩm được rất nhiều người chú ý là tượng anh lính thủy chiến hạm Marat cầm cờ hiệu. Có thông tin nói rằng chân dung chỉ huy quân sự nổi tiếng của Liên Xô, Chuẩn đô đốc huyền thoại Olimpiy Rudakov được sử dụng để tạo khuôn mặt anh lính thủy. Bức tượng anh lính thủy đội mũ có dòng chữ "Marat" gợi nhớ tới thiết giáp hạm, không chỉ nổi tiếng trong tiểu thuyết "Bác Stepan" của nhà văn Sergei Mikhalkov, mà còn có thực trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945.
Người Moskva cho rằng nếu chạm được vào lá cờ hiệu người thủy thủ cầm khi đi làm thì hôm đó sẽ là ngày làm việc thành công. Niềm tin này được gắn với quan niệm “ngày tốt giương cờ ra khơi”, mà như người Việt thì gọi là “thuận buồm, xuôi gió”.
Trong quần thể này còn có một bức tượng thủy thủ khác, anh thủy thủ cầm súng. Người Moskva cho rằng nếu chạm tay vào khẩu súng, bạn sẽ gặp may mắn khi làm ăn. Do đó, trước khi kết thúc một giao dịch quan trọng, người Moskva đến và xoa nòng súng bức tượng.
Truyền thống xoa súng tượng thủy thủ để gặp may cũng là một trong những bí ấn sớm nhất của nhà ga, từ năm 1938. Cũng có những người quan niệm rằng điều kiện tiên quyết là khi xoa súng cần nhắm mắt và mường tưởng rõ những gì bạn muốn.
Bộ đôi tác phẩm minh họa cho công tác tuyên truyền quốc phòng toàn dân ở Liên Xô là bức tượng anh lính biên phòng và chú chó và bức tượng cô gái bắn tỉa cầm súng trường, đeo huy hiệu “Chuyên gia bắn tỉa Voroshilov”. Trong đó, anh lính biên phòng và chú chó có lẽ được coi là tác phẩm điêu khắc nổi nhất tại nhà ga, và có thể là trên toàn hệ thống metro Moskva.
Để vượt qua kỳ thi, các học sinh, sinh viên Moskva thường đến xoa mõm chú chó, còn để vượt qua các bài kiểm tra trước khi thi thì xoa chân chú. Niềm tin này có từ năm 1938 (tức là gần như ngay sau khi khai trương nhà ga) và rất có thể là sáng kiến của sinh viên Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moskva mang tên Bauman, một trong những trường đại học danh tiếng của Nga với chương trình học luôn được đánh giá “rất khó”. Vì thế, nhiều người cho rằng con đường vào đại học của các sinh viên phải đi qua nhà ga này.
Ngày nay, không chỉ cư dân Moskva mà cả du khách nước ngoài cũng đến nhà ga để chạm tay vào bức tượng, song giờ đây họ đọc ước nguyện và xoa mõm chú chó để cầu “hạnh phúc” hay “may mắn”. Nam diễn viên Hollywood gốc Australia, Hugh Jackman, người thủ vai trong các bộ phim nổi tiếng “Người sói Wolverine” và Van Helsing khi đến Moskva cũng không bỏ qua “truyền thống” này.
Nói về nữ, có lẽ tượng cô thôn nữ với chú gà trống và gà mái là đáng chú ý khác. Theo quan niệm của nông dân Nga, chú gà trống, dù báo hiệu một ngày mới đến, song có thể đem lại xui xẻo... Tuy nhiên đây là nhà ga metro đô thị, không phải nông thôn, vì thế luồng quan niệm thứ hai cho rằng xoa mỏ chú gà trống sẽ có nhiều tiền bạc. Và thực tế cả phần đầu chú gà trống, từ mỏ cho tới cổ đã được xoa “trắng xóa”.
Tượng cô sinh viên đọc sách cũng là bức tượng nữ được quan tâm. Người Moskva đến xoa giày cô sinh viên để mau có người yêu, và có cả những người đến xoa giày để tránh một tình yêu bất hạnh.
Với tượng anh kỹ sư trẻ, nguyên mẫu của bức tượng là sinh viên, vận động viên Arkady Gidrat, người đã nhiều lần vô địch môn nhảy cao của Moskva và là nhà vô địch Liên Xô. Ông hy sinh năm 1941 trong trận đánh bảo vệ Cao điểm Sinyavinsky trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tương truyền rằng cánh tay phải người kỹ sư trẻ cầm một chiếc com-pa, cũng có tin nói đó là một chiếc bút chì và nếu chạm tay vào đồ vật này, bạn đảm bảo sẽ may mắn trong sự nghiệp khoa học.
Cặp đôi bức tượng cha và con cũng như mẹ và con đem đến “may mắn”. Với tượng cha con, khi xoa vào chân người con hay tay, chân và đầu gối người cha, mọi người hy vọng sẽ đông con cái. Với mẹ và con, bức tượng cũng đem lại hy vọng có con cái, kể cả xoa chiếc giày của bà mẹ.
Ở những bức tượng khác, sự quan tâm của hành khách ít hơn. Bức tượng người thợ mỏ cầm búa khoan, phần đầu gối có dấu vết xoa mòn. Bức tượng anh lính cầm súng trường, phần được xoa nhiều là báng súng, còn bức người nông dân đi dép cầm súng, chiếc dép và ngón tay được xoa nhiều...
Sự uy nghi của nhà ga “Quảng trường Cách mạng” là điều không thể bàn cãi, song điều thú vị là trong sự uy nghi đó lại ẩn chứa rất nhiều quan niệm về may mắn và hy vọng của người dân Moskva. Tuy nhiên, hiện nay một số nhà điêu khắc đã lên tiếng “kêu cứu” cho những bức tượng được “hâm mộ” này bởi chúng bị mòn vẹt ở nhiều chỗ. Quan điểm trên cũng được nhiều người ủng hộ, cho rằng cần có ý thức hơn để gìn giữ những tác phẩm thú vị này cho các thế hệ mai sau.