Kỳ công chơi đào thất thốn

Trong số các loại đào, đào thất thốn được coi là đẹp nhất và khó chơi nhất. Nhiều người yêu loài hoa này đã đặt cho nó thêm những cái tên như đào thờ, đào tiến vua...


 

Cây đào thất thốn 30 năm tuổi được người chơi nhờ “ép nở” dịp Tết.

 

Tên gọi đào thất thốn có nhiều cách giải thích. Có người giải thích vì đây là loại đào cao khoảng 15 cm (thất thốn) thì chia nhánh một lần; hoặc trên một thốn có thể có 7 bông hoa. Lại có người cho rằng lá cây đào này dài trên 7 thốn (thất thốn). Dù có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng dân sành chơi đều thừa nhận loại đào này đẹp từ dáng thân đến hoa, và độc đáo ở việc chỉ nở sau Tết.


Ông Quang, một người chơi đào ở phường Bưởi (Hà Nội) cho biết: Khác với đào phai, đào bích, đào rừng... đào thất thốn gốc xù xì, thân cô độc, ít cành. Mầm nhỏ xanh tía. Và đẹp nhất là hoa đỏ thắm tươi, nhụy vàng nhiều cánh. Nếu hoa thông thường chỉ khoảng 18-20 cánh trên một bông thì hoa đào thất thốn tới 40 cánh/bông. Nếu cây ít hoa thì bền kỳ lạ.


Đến vùng trồng đào Nhật Tân, hỏi dân trồng đào về đào thất thốn thì nhiều người cho biết: Chỉ có khoảng dăm người đang trồng loại đào này, nhưng để đào thất thốn nở hoa đúng dịp Tết có lẽ chỉ có chủ vườn Lê Hàm.


Ở tuổi 50 nhưng cái nghiệp trồng đào và mê đào thất thốn của anh Lê Hàm chiếm quá nửa cuộc đời. Dẫn chúng tôi ra vườn đào thất thốn, anh Hàm cậy vào lớp vỏ thân đào thất thốn có gốc xù xì nhưng thân vẫn tím hồng và giải thích: “Đó cũng là sự khác biệt với đào thường, gốc xù xì cổ kính nhưng đầy nhựa sống, không như đào thường, cậy lớp vỏ có màu trắng của gỗ. Người chơi đào thất thốn không chỉ thích về dáng và thế mà còn thích bởi cách đâm hoa và lộc bật ra từ gốc và thân. Điều này khác với đào thường, hoa chỉ nở từ những cành nhỏ. Còn với nhiều cây đào thất thốn nở hoa “ngang” từ những trụ gốc xù xì. Có cây, hoa nở kề mặt đất. Chính sự lạ từ cách trổ bông này khiến những người mê hoa liên tưởng, thất thốn giống như cây cảnh trong bức tranh thủy mặc mà chỉ vẽ mới có.


Đào Thất thốn có mặt ở Nhật Tân đã vài trăm năm nay, nhưng ít người chơi vì hoa thường nở muộn vào sau Tết. So với đào thất thốn từ Trung Quốc hoa nhiều màu sắc, thân và gốc không xù xì, trồng không có mắt và năm sau khó ra hoa. Còn đào thất thốn có nguồn gốc Việt Nam hoa đỏ thắm và nhiều cánh, bông hoa to hơn.


Để đào thất thốn nở đúng dịp Tết là cả một sự kỳ công. Kinh nghiệm của những người chơi đào thất thốn cho thấy loại hoa này thường nở sau rằm tháng Giêng, được coi là loài hoa riêng của mùa lễ hội. Nhưng cũng chính vì thế mà không kinh doanh được, mà chỉ có thưởng hoa lúc nhàn nhã. Các thủ thuật với đào thường như khoanh, tuốt lá…, để ép ra hoa đúng cữ xuân, hay ghép mắt đào thường vào gốc không có tác dụng gì với loại đào này.


Anh Hàm tâm sự, đào thất thốn cũng giống như một cô gái đỏng đảnh, phải hiểu tính nết của nó. Loài cây này phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên phải quan sát cây, thời tiết hàng ngày rồi phải đáp ứng cái nó cần. Chẳng hạn như gặp gió nồm thì hoa chóng tàn, lúc đó phải xử lý kịp thời.


Cây đào thất thốn hiện có giá từ chục triệu đến vài chục triệu đồng, phụ thuộc vào thế và hoa, đặc biệt là vị trí hoa nở. Nếu hoa nở ở gốc càng đắt giá bởi dân sành chơi coi đó là lộc đến gốc, mang nhiều yếu tố tâm linh với những người có tiền và thích chơi hoa.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN