Sự lên ngôi của hai tác phẩm do Nhà nước sản xuất: "Đừng đốt" và "Mùi cỏ cháy" tại lễ trao giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam đã chứng minh sức sống bền bỉ của dòng phim chiến tranh với hình tượng người lính. Có thể nói, trong vòng xoáy của phim thị trường hiện nay, vẫn có rất nhiều những bộ phim Việt đã khai phá, thể hiện thành công hình ảnh người lính Cụ Hồ, dưới góc nhìn đa chiều của các đạo diễn.
Một cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”. |
Đề tài chiến tranh vốn được coi là "điểm mạnh" của các nhà làm phim Việt Nam. Có thể nhận thấy, hình tượng người lính luôn được phục dựng với những đặc trưng riêng độc đáo. Qua bàn tay của các đạo diễn, bằng sự tôn trọng và nhìn về quá khứ, người lính Cụ Hồ đã được khắc họa rất sinh động, chân thực. Chính điều đó đã ít nhiều tạo nên ấn tượng mạnh mẽ của người xem với hình tượng “không mới nhưng chưa bao giờ cũ này”.
"Mùi cỏ cháy" của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, biên kịch nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, đã chiến thắng tuyệt đối ở Cánh diều 2012, với 4 giải thưởng quan trọng, trong đó có Cánh diều Vàng dành cho phim xuất sắc. Đây là bộ phim chiến tranh hiếm hoi được thực hiện với kinh phí vẻn vẹn hơn 2 tỷ đồng, đã nhận được sự đánh giá cao của công chúng và những người có chuyên môn. Bốn người lính trẻ, bốn thanh niên ưu tú của Thủ đô hoa lệ bước chân vào cuộc chiến với một thái độ rất hào hứng. Đối với họ, sự sống - cái chết của bản thân gắn liền với số phận của quốc gia, vận mệnh dân tộc. Chất bi tráng và hào sảng, sự lãng mạn và vô ưu của trí thức trẻ trong thời chiến đã khiến người xem xúc động. Không sử dụng nhiều các đại cảnh hay tập trung quay nhiều pha chiến đấu hoành tráng, "Mùi cỏ cháy" đi sâu vào những tâm tư nội tâm, tình cảm của người lính trước quê hương, lồng ghép với câu chuyện tình cảm của chính mình. Không lên gân hay gồng mình theo những ước lệ chung chung về hình tượng người lính, bộ phim là tiếng nói mới mẻ và giàu sức sống về một thế hệ thanh niên Việt Nam đáng trân trọng và tự hào của những năm tháng chiến tranh.
"Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được xây dựng dựa trên cơ sở cuốn nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Bộ phim ra đời trong niềm mong mỏi, khát khao đến cháy bỏng của những độc giả đã từng đọc cuốn nhật ký này. Dù còn những ý kiến khen chê khác nhau, nhưng không thể phủ nhận nhiều khán giả ấn tượng với hình ảnh Đặng Thùy Trâm trên phim. Theo suốt chiều dài của bộ phim, hình ảnh nữ bác sĩ được tái hiện sinh động, gần gũi. Cô sinh viên trẻ mới chạm ngõ cuộc đời đã lao vào chiến trường bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu đối với đất nước trong nỗi đau chiến tranh. Trong khoảnh khắc im lặng nơi chiến trường, đạo diễn đã nắm bắt, miêu tả sâu sắc những rung động và nỗi nhớ thương trong lòng cô gái trẻ. Đó là nỗi nhớ về Hà Nội thân yêu, về ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, nỗi nhớ cha mẹ và có cả nỗi niềm của một tình yêu đầu đời không trọn vẹn. Tất cả đã tạo nên sự thành công cho hình tượng nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. "Đừng đốt" giản dị và nên thơ, trong trẻo như một bài ca hi vọng.
Khác với "Mùi cỏ cháy" và "Đừng đốt", "Sinh mệnh" của đạo diễn Đào Duy Phúc lại là tiếng trở mình thao thức về số phận của Linh - người lính trong chiến tranh. Gắn bó số phận của cá nhân với số phận của đất nước trong thời chiến để thấy nỗi đau, tấn bi kịch cá nhân của mỗi người lính trong cuộc đời riêng.
Hai người anh của Linh đã hi sinh trong chiến trận, Linh vừa kịp lấy vợ chưa được mấy ngày đã lên đường nhập ngũ. Nỗi mong mỏi có một đứa con, có một đứa cháu của bà mẹ đã đưa người lính này vào một hành trình khó khăn. Phải chiến đấu để bảo vệ đất nước, nhưng lại phải tìm cách để trở về gặp vợ và có được một đứa con. Mọi nỗ lực của anh đều không thành. Khi những đồng đội đều lần lượt ngã xuống, màu xanh trên những cánh rừng bị bom tàn phá nặng nề, sự khắc nghiệt của chiến tranh như vây hãm, thì cũng là lúc anh đã cùng Nga - người đồng đội đi cùng mình, gieo mầm cho một sinh linh bé nhỏ. Thông qua những mất mát, đau thương, khán giả có thêm một điểm nhìn khác về người lính. Đó là sự nhìn nhận về khoảng sâu tận cùng trong tâm hồn họ trước những khốc liệt của đạn bom chiến tranh. Người lính khao khát hòa bình cho dân tộc nhưng cũng khao khát hạnh phúc cá nhân.
Vào Nam hay ra Bắc? Câu hỏi cuối cùng ấy cứ vương vấn trong đầu người chiến sĩ trẻ tên Quang trong "Vào Nam ra Bắc" của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Vẫn khai thác vấn đề muôn thuở, nhưng Phi Tiến Sơn đã đưa được yếu tố lạ và độc vào câu chuyện chiến tranh của mình. Phim kể lại sự xung đột nội tại giữa tình cảm và lý trí. Sự tồn tại của cái tôi cá nhân, sự đối lập giữa khao khát sống của bản thân và nghĩa vụ đối với dân tộc. Quang - nhân vật chính, sợ hãi khi chứng kiến cuộc đụng độ trong đêm, run rẩy trước những câu chuyện rùng rợn về chiến tranh qua lời kể của bạn và cũng tiếc nuối vì hi sinh mà “chưa biết tý gì về mùi đàn bà”… Cứ vậy nỗi sợ hãi trong đầu chàng trai trẻ lớn dần lên và khiến cậu tự tiến hành một cuộc đào ngũ… Đạo diễn đã đưa được những ẩn dụ mang tính triết lý sâu sắc thông qua những cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Quang với những người mà anh gặp trên đường thực hiện cuộc trốn chạy của mình. Chính nhờ những cuộc gặp bất ngờ ấy anh đã nhận ra được giá trị đích thực của hai từ hi sinh và giá trị của chính những phẩm chất người lính mà anh đang có. Bộ phim góp thêm một tiếng nói và cung cấp thêm một câu chuyện đẹp về hình tượng người lính trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Từ năm 2000 đến nay, năm nào điện ảnh Việt cũng có những bộ phim về đề tài chiến tranh với hình tượng người lính làm trung tâm, được người xem đánh giá cao. Mỗi bộ phim mang một hình dung, một gương mặt phác thảo đầy tính hiện thực về cuộc sống trong chiến trường và sau làn bom đạn của họ. Và đây vẫn là dòng phim được kỳ vọng sẽ tạo nên dấu ấn cho điện ảnh Việt Nam khi “mang chuông đi đánh xứ người”.
Hương Giang