Hội Bài Chòi trên đất Khánh Hòa

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một chương trình diễn xướng hô trong Nghệ thuật Bài Chòi ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN

Hội Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật liên quan đến một trò chơi thẻ bài trong chòi tre (ngày nay tùy vào thực tế mà dựng chòi bằng vật liệu sắt thép). Trong các buổi trình diễn của Bài Chòi, anh, chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Hội Bài Chòi Khánh Hòa cũng giống Hội Bài Chòi ở các tỉnh Nam Trung Bộ, được dựng thành 9 chòi và 27 thẻ mang các tên như: Tứ Móc, Ngũ Trượt, Ba Gà, Tám Miểng, Bảy Liễu… Sau khi các chòi đã đủ người chơi, anh, chị Hiệu sẽ mở hội chơi bằng các câu thơ, bài chúc tự sáng tạo... Người tham gia hội khi tới bài nghĩa là họ có được ba con bài mà Hiệu xướng tên. May mắn chiến thắng và giành giải thưởng từ anh, chị Hiệu đồng nghĩa với việc người chơi nhận được sự may mắn, tài lộc.

Ông Trần Nhật Lệ, Phó Giám đốc Nhà hát Truyền thống Khánh Hòa cho biết: Hội Bài Chòi có từ hàng trăm năm trước, được phát triển theo hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được lưu giữ bằng hình thức truyền khẩu, nhiều nhất là ở Bình Định, Phú Yên... Tại Khánh Hòa, từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, các địa phương như huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa thường tổ chức hội Bài Chòi khi xuân về. Ngoài ra, còn có nhóm hô Bài Chòi trên đất hoặc chiếu (nhóm 3 - 4 người) diễn ra ở những bãi đất trống của đình làng, chợ quê để diễn xướng các tích truyện thơ xưa như: Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương…

Trải qua năm tháng, Hội Bài Chòi ngày càng ít được tổ chức, số người biết hô hát Bài Chòi không còn nhiều. Nhiều địa phương đang phục dựng Hội Bài Chòi. Đến nay, Khánh Hòa là một trong các địa phương ở miền Trung tổ chức được Hội Bài chòi quanh năm, góp phần bảo tồn loại hình văn hóa truyền thống này.

Từ năm 2014, Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa đã đưa Hội Bài Chòi thành hoạt động thường niên trong chương trình văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân. Năm 2015, tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ kinh phí tổ chức Hội Bài Chòi vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần tại công viên bờ biển thành phố Nha Trang. Hiện nay, Câu lạc bộ Bài Chòi Khánh Hòa đảm nhiệm việc tổ chức Hội Bài Chòi tại thành phố Nha Trang.

Hội Bài Chòi ở Khánh Hòa có nét đặc sắc riêng, tuy cùng một cội nguồn với Bài Chòi Bình Định, Phú Yên, nhưng ở Khánh Hòa các lớp diễn phong phú hơn, bởi có "nguồn cung cấp" từ Cải lương của Nam Bộ và hát Bộ từ vùng Trung Trung Bộ. Hơn nữa do thổ ngữ địa phương nên giọng hát Bài Chòi  Khánh Hòa nghe ấm áp, mùi mẫn, rõ lời. Mặt khác, để Bài Chòi  đến được với khán giả, người chơi, các anh, chị Hiệu phải là những người có giọng hát vang to, rõ từng lời, diễn thật giỏi, luyến rồi nhả chữ sao cho ngọt.

“Làm Hiệu đã khó, làm một Hiệu có tài thu hút khán giả xem và chơi lại càng khó hơn. Vì vậy, chúng tôi phải thường xuyên học và rèn luyện”, anh Nguyễn Thanh Dũng, quản lý Câu lạc bộ Bài Chòi Khánh Hòa chia sẻ.


Anh Nguyễn Thanh Dũng cũng cho biết thêm, từ năm 2013, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa đã mời nghệ sĩ Phạm Hoàng Việt và nghệ sĩ Minh Đức – những người có nhiều năm nghiên cứu nghệ thuật Bài Chòi Bình Định nói riêng, Trung Bộ nói chung, đến giảng dạy Hội Bài Chòi cho anh chị em trong câu lạc bộ. Đến nay, câu lạc bộ có 10 người, gồm 3 nhạc công và 7 diễn viên, nghệ sĩ có thể hô, hát Bài Chòi. Điều đặc biệt, cả 10 thành viên đều có quan hệ huyết thống 3 đời với nhau. Thành viên lớn tuổi nhất là nghệ sĩ Lê Thị Kim Yến (70 tuổi), thành viên nhỏ tuổi nhất 17 tuổi chính là con trai của anh Nguyễn Thanh Dũng.

Nghệ sĩ Kim Yến, người có hơn 60 năm gắn bó với nghề hát bộ và hát hội Bài Chòi vẫn nhớ rất rõ khung cảnh làng quê vào hội Bài Chòi từ những năm 60 của thế kỷ XX. Thời điểm đó, Bài Chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày Tết. Các làng mời gánh hát về phục vụ ban đêm, còn ban ngày tổ chức Hội Bài Chòi. Thời đó, dân ở các làng chài dù còn nghèo nhưng rất mê Tuồng cổ, hát Bộ, Bài Chòi... nên các gánh hát đến biểu diễn đều được người dân gửi tặng tiền hay những món quà quê.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các chương trình bảo tồn nghệ thuật Bài Chòi nói chung và Hội Bài Chòi nói riêng; trong đó chú trọng hỗ trợ các câu lạc bộ, nghệ nhân trong việc truyền dạy di sản nghệ thuật bài chòi tại cộng đồng; xây dựng các Hội Bài Chòi...

Phan Sáu (TTXVN)
Nghệ thuật Bài Chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
Nghệ thuật Bài Chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, chiều 7/12, tại kỳ họp diễn ra ở Trung tâm hội nghị quốc tế Jeju, Hàn Quốc, Ủy ban liên chính phủ Công ước Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã nhất trí ghi danh hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN