Với mong muốn thể hiện thành công hơn nữa hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, ngày 17/5/2012, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc đã tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ”.
Hội thảo đã tổng kết, khẳng định những điều đã làm được, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế của những tác phẩm sân khấu thể hiện hình ảnh Bác Hồ, để từ đó tiếp tục sáng tạo, xây dựng tốt hơn nữa hình tượng về Bác Hồ, vị lãnh tụ, cha già kính yêu của dân tộc, đáp ứng lòng mong mỏi của mọi tầng lớp nhân dân.
Theo GS Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các loại hình văn học – nghệ thuật khai thác nhiều, ngay từ khi Người còn sống. Nhưng phải đến năm 1976, hình tượng Bác Hồ mới được phản ánh trên sân khấu qua vở “Người công dân số 1” của Nhà hát Cải lương Trung ương. Kể từ đó, hình tượng Bác Hồ xuất hiện nhiều trên sân khấu và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sỹ.
Sau vở “Người công dân số 1”, vở “Đêm trắng” của tác giả Lưu Quang Hà sáng tác, đoàn kịch Trường Sơn biểu diễn, cũng đã đem lại tiếng vang cho sân khấu. Năm 1984, vở “Lịch sử và nhân chứng” của tác giả Hoài Giao, do Đoàn kịch Hải Phòng biểu diễn và vở “Người không thể chết” của Đoàn kịch Tổng cục Chính trị tiếp tục ra đời. Từ năm 1990, khi UNESCO tôn vinh Bác và trọng thể kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người thì ngành sân khấu cũng rộ lên phong trào sáng tác và biểu diễn đề tài về Hồ Chủ tịch. Các bộ môn sân khấu từ kịch nói đến chèo, tuồng, dân ca kịch đều có tác phẩm thể hiện hình tượng Bác Hồ.
Cuộc vận động sáng tác về đề tài Bác Hồ cũng đã đem lại kết quả nhất định. Sân khấu chèo cũng đã mạnh dạn sáng tác những tác phẩm về hình tượng Bác Hồ. Điển hình có đoàn chèo Thái Nguyên với vở “Đêm trăng huyền thoại”, Nhà hát Chèo Việt Nam đã biểu diễn khá thành công vở “Những vần thơ thép” của tác giả Trần Đình Ngôn và mới đây là vở “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ” của Nguyễn Quang Vinh do Nhà hát Ca kịch Huế biểu diễn. Mặc dù chèo và ca kịch là 2 loại hình nghệ thuật rất khó thể hiện hình tượng Bác Hồ, nhưng những vở diễn này đã gây được tiếng vang trong công chúng, đều giành được giải cao trong các đợt hội diễn sân khấu toàn quốc.
Những thành công nói trên đều thể hiện tấm lòng của các nghệ sỹ sân khấu đối với Bác Hồ kính yêu, đồng thời cũng cho thấy nhân dân ta từ Bắc chí Nam đều thiết tha được nhìn thấy Bác, dù chỉ qua hình tượng do các nghệ sỹ sáng tạo trên sân khấu. Qua hình tượng Bác Hồ, thông qua sân khấu mà nói lên được tư tưởng đạo đức Bác Hồ, đó cũng là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế khi thể hiện hình tượng Bác Hồ trân sân khấu. Theo đánh giá của GS Vũ Khiêu, các vở diễn chỉ dừng ở chỗ khái quát sơ lược về thân thế sự nghiệp của Người, hình tượng Bác Hồ mới chỉ được phản ánh ở dáng vẻ bên ngoài. Đã đến lúc, ngành sân khấu cần đi sâu hơn để thực sự có được một hình tượng đẹp của lãnh tụ trên mọi lĩnh vực, qua mọi thử thách mà nhân dân ta đã vượt qua dưới sự lãnh đạo của Người.
PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, khi thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu cần chú ý nhiều vấn đề, nhưng trước hết cần quan tâm đến ngoại hình, vì hình ảnh của Bác đã in sâu vào trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam, người xem luôn đòi hỏi nhân vật Bác Hồ xuất hiện trên sân khấu phải giống với hình ảnh của một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng rất bình dị, gần gũi với các tầng lớp nhân dân. Điều đó đòi hỏi nghệ sỹ đóng vai Bác phải có ngoại hình giống Bác từ khuôn mặt, vóc dáng cho đến cử chỉ, dáng đi, giọng nói... nếu việc thể hiện ngoại hình không tốt rất dễ gây hiệu ứng ngược.
Cũng theo PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh, trong thời gian tới cần tiếp tục sáng tạo nhiều vở diễn có đề tài về Bác Hồ, để hình tượng Bác trên sân khấu thường xuyên xuất hiện trước công chúng, trở thành tấm gương, thành những bài học giáo dục có hiệu quả.
Phương Lan