Hiện thực từ những ý tưởng, ước mơ

Lịch sử phát triển của văn minh nhân loại có rất nhiều điều thoạt đầu chỉ là những ý tưởng, ước mơ của một vài người, để rồi sau đấy được hiện thực hóa và trở nên phổ biến, trong đó có những ý tưởng, ước mơ được hình thành từ chính các tác phẩm văn học nghệ thuật của một số văn nghệ sĩ tên tuổi. Đặc biệt, các tác phẩm văn học mang tính chất khoa học viễn tưởng, giả tưởng, đôi khi là thần thoại… đã trở thành những gợi ý rất gần cho các nhà bác học trong quá trình sáng chế, phát minh; cho các nhà lãnh đạo, quản lý khi hoạch định những chính sách…

Dẫn dụ qua tí chút về các ý tưởng, ước mơ và hiện thực, để thấy rằng, ở Hà Giang - tỉnh địa đầu cực Bắc của Tổ quốc - cũng có một hiện thực được hình thành từ những ý tưởng, ước mơ (nói thật đúng phải là từ những dự cảm) như thế. Chúng cũng được bắt nguồn từ giới văn nghệ sĩ mà người đi đầu là nhà thơ Cao Xuân Thái, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang. Có lẽ ông là người viết nhiều nhất về vùng đất, con người Hà Giang, đặc biệt là về Cao nguyên đá Đồng Văn, mà ở đó, theo ông, có một thế núi, hình sông thuộc hàng kỳ vĩ bậc nhất của đất nước; cũng nơi đây, có một nền văn hóa bản địa hết sức đa dạng, phong phú và đặc sắc ít nơi nào có được. Nhà thơ từng “Lên mỏm tột Bắc”(*), “Đứng trước đá” để tận mắt chứng kiến “Sức sống trên vùng đá” của đồng bào, rồi từ đó nhìn ra một “Mã Pì Lèng - đệ nhất hùng quan”; tìm đến “Chợ tình năm họp một phiên”, để thấy “Cửa trời phía Bắc“ - nơi có “Thung lũng hoa vàng” và hiểu thế nào là “Ngải đắng mùa đông”; có thêm “Ký ức con đường” và thu nhận được những “Chuyện lạ trên cao nguyên đá” để mà “Thao thức miền địa đầu”… Từ đó ông đưa ra những câu “tuyên ngôn” nổi tiếng bằng thơ: “Không có đá chẳng có gì để nói”; “Quê hương tôi tự nó đã cao rồi”… Trong những bài thơ, bài ký của nhà thơ Cao Xuân Thái luôn mơ về sự đổi thay của quê đá mà ông gắn bó suốt nửa đời người. Theo lời ông, chính miền đá này đã sản sinh ra nhà thơ Cao Xuân Thái. Ông là nhà thơ của đá. Đá làm nên thơ ông và ông thổi hồn vào đá. Thơ của ông đã làm sang cho đá, biến đá thành “thương hiệu” riêng của Hà Giang.

Một điều dễ nhận thấy là, hầu hết các tác phẩm của Cao Xuân Thái đều tập trung cổ súy, quảng bá về vẻ đẹp kỳ vĩ, những điều mới lạ, những thành quả của công cuộc đổi mới xen lẫn các dấu tích tiềm ẩn của thiên nhiên cùng những nét văn hóa độc đáo, đa bản sắc của đồng bào các dân tộc đang sống kiên cường trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Các tác phẩm của ông còn dự cảm, tiên đoán về một Cao nguyên đá sẽ nổi danh bởi những cái tên như đỉnh Mã Pì Lèng, dòng sông Nho Quế, Cột cờ Lũng Cú, Chợ tình Khau Vai, Quốc lộ 4C – con đường Hạnh Phúc của đồng bào 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, Dinh nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, Núi Đôi Quản Bạ… Mỗi tác phẩm của ông đều toát lên ước mơ và niềm tin cháy bỏng, rằng, trong một ngày không xa Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành niềm hãnh diện và tự hào của Hà Giang, của Việt Nam với bè bạn xa gần. Ông tin rằng rồi đây cả thế giới sẽ biết đến Cao nguyên đá Đồng Văn. Và quả thật, điều mong ước ấy đã trở thành hiện thực, khi mới đây Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Trong buổi lễ đón nhận tấm Bằng công nhận danh giá này (diễn ra tại thị trấn huyện lỵ Đồng Văn hồi cuối năm 2010), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông đã khẳng định: “Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang nguyện chung tay góp sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản và những truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của người dân trong tỉnh, khai thác những tiềm năng di sản phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước…” (1). Cũng tại đây, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã nêu rõ: “Cao nguyên đá Đồng Văn cùng với những hình ảnh khác, như vịnh Hạ Long, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam, mở ra cơ hội biến đá thành nguồn thu nhập chính của người dân…”(2).

Một trang mới của Cao nguyên đá Đồng Văn đã được mở ra. Ước mơ về một cuộc sống đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp hơn đang hiển hiện trước mắt đồng bào vùng cao 4 huyện phía Bắc của tỉnh. Bức tranh toàn bích về thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa sẽ dần hoàn thiện trong một tương lai gần trên vùng cao xứ đá.

Hiện thực từ những ý tưởng, ước mơ đã và đang hiện hữu, như mùa xuân tươi mới, tràn đầy sức sống đang ùa về trên khắp nẻo bản làng.


Nguyễn Trần Bé
________
(*) Chữ trong ngoặc kép, in nghiêng là tên và câu chữ trong các tác phẩm bút ký và thơ của nhà thơ Cao Xuân Thái
(1), (2): Trích ở một số báo điện tử
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN