Những ngày này, trên quê hương đất Tổ Phú Thọ, nơi đâu cũng tràn ngập không khí vui tươi, sắc đỏ cờ hoa được giăng treo khắp các con đường, ngõ phố để đón chào sự kiện trọng đại: Lễ đón Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Khai mạc lễ hội Đền Hùng năm Quý Tỵ 2013, diễn ra tối 13/4, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Rước lúa thần là một trong những hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN |
Dù chưa đến ngày chính hội, nhưng tại các ngả đường hướng về Đền Hùng đã bắt đầu nhộn nhịp khách hành hương. Không thể tả hết tâm trạng của mỗi người con nước Việt khi đứng trước ngôi đền thờ Đức Tổ Phụ sinh ra hàng triệu người con dòng giống Tiên Rồng hôm nay. Dường như khí thiêng sông núi đã hòa nhập vào tâm khảm của mỗi người, trào lên tình cảm giống nòi và tình yêu đất nước rất đỗi giản dị và thành thực.
Bác Nguyễn Tùng Ngọc, 65 tuổi, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), nơi có Khu di tích lịch sử Đền Hùng thờ cúng các Vua Hùng, cho biết: “Đón nhận Bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự kiện lớn của tỉnh và cũng là niềm vinh dự tự hào của người dân đất Tổ. Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, phụng thờ nhân vật khai sáng dân tộc, thế nhưng hiếm có nơi nào mà đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, người Việt ở nước ngoài, đều xem mình có chung Quốc tổ, chung một cội rễ như ở nước ta. Trong tâm thức mỗi người dân Việt, Vua Hùng là vị Tổ có công dựng nên quốc gia Văn Lang, nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc”. Tự hào được sống trên vùng đất có hai di sản thế giới là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và Hát Xoan - Phú Thọ, niềm vui được nhân lên, vì vậy bác Ngọc cho biết sẽ tiếp tục dạy dỗ con cháu phải có lòng thành kính tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, với những bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước và có trách nhiệm trong việc lưu giữ cội nguồn dân tộc và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn".
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng ăn sâu, bám rễ trong tâm thức người dân đất Việt. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ có 181 di tích thờ Hùng Vương và trên cả nước có 1.471 nơi thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh của các Vua Hùng. Nhiều Việt kiều xa quê hương lặn lội về đền Hùng xin nắm đất ở gần mộ Tổ, xin chút nước ở giếng Ngọc và chân nhang thờ các Vua Hùng ở đền Thượng để mang ra nước ngoài thờ cúng; nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp không ít công sức, tiền của tu bổ, tôn tạo di tích thờ các Vua Hùng... Niềm vui, niềm tự hào được nhân lên nhưng trách nhiệm lại càng tăng lên. Ngay sau khi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của di sản. Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Di sản văn hóa cho các ngành, các cấp và toàn thể cộng đồng; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và vai trò giám sát của nhân dân trong việc ngăn chặn, giải quyết triệt để các vi phạm di tích. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động được mọi nguồn lực với sự tham gia của toàn xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tạo môi trường và điều kiện tốt nhất để công chúng được trực tiếp tham gia, được hưởng thụ các kết quả do hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mang lại.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiếp tục mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các Vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng quê trên địa bàn; lập danh sách những người thực hành tín ngưỡng thờ các Vua Hùng ở các làng, xã thuộc tỉnh Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng, các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung... ở nước ngoài để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2013, cho biết: Lễ tôn vinh đón nhận bằng “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là hoạt động lớn, điểm nhấn của Lễ hội Đền Hùng năm nay. Chương trình buổi lễ được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Thọ truyền hình trực tiếp. Bên cạnh đó, Lễ hội Đền Hùng năm nay có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ với nội dung phong phú, sinh động như Liên hoan hát Xoan và hát dân ca Phú Thọ; giao lưu hát dân ca các vùng miền; giải bóng chuyền quốc gia PV Oil, hội thi bơi chải trên sông Lô... hứa hẹn sức hấp dẫn lớn, thu hút sự tham gia, hưởng thụ của đông đảo người dân trong cả nước đến Giỗ Tổ Hùng Vương.
Lâm Đào An