Ông Bùi Văn Đạt, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương), thành viên Ban chủ nhiệm Chương trình giáo dục di sản văn hóa trong trường học cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 22-CTr/TU ngày 19/8/2021 về phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, trải nghiệm tại Bảo tàng tỉnh và các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu trên địa bàn, giai đoạn 2022 - 2025. Thành công từ chương trình là bước khởi đầu cho một chương trình phối hợp dài hơi giữa các đơn vị, tạo tiền đề triển khai hiệu quả việc đưa các giá trị di sản văn hóa vào trong nhà trường các cấp những năm tiếp theo.
Đánh giá về hiệu quả chương trình, giáo viên Trường Tiểu học xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang) và đại diện ngành Văn hóa huyện Bình Giang đều cho rằng, Chương trình giáo dục di sản trong trường học không chỉ giúp các học sinh thêm hiểu về lịch sử quê hương mà còn bồi đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.
Cụ thể, hơn 200 học sinh khối lớp 3, lớp 4 và lớp 5 của nhà trường đã được tham quan, học tập tại Di tích Quốc gia đình Mộ Trạch (xã Tân Hồng), nhà truyền thống huyện Bình Giang, kết hợp giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về di tích, danh nhân lịch sử, nghề thủ công truyền thống.
Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương đã tập huấn cho giáo viên; cung cấp các tài liệu về văn hóa vật thể, phi vật thể về các khu di tích. Sau các chương trình ngoại khóa, học tập, nhà trường tổ chức cho học sinh viết bài thu hoạch, thảo luận theo nhóm, vẽ tranh… Bên cạnh đó, học sinh được hướng dẫn và cung cấp học cụ để tổ chức các trò chơi dân gian.
Em Lê Hữu Đại Phong (lớp 5C, Trường Tiểu học xã Hùng Thắng) là học sinh được điểm cao nhất cho bài thu hoạch sau chương trình ngoại khóa cho biết, em và các bạn rất thích các buổi tham quan di tích. Đến với các di tích như đình Mộ Trạch hay nhà truyền thống huyện, em đều lắng nghe, ghi chép để về làm bài thu hoạch. Giờ học ngoại khóa giúp em biết được nhiều tiến sỹ trong lịch sử đã được khắc tên ở bia để thêm tự hào về truyền thống hiếu học của quê hương và cố gắng phấn đấu học tập thật tốt.
Cô Phạm Thị Bảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Hùng Thắng vui mừng cho biết, học sinh và giáo viên rất phấn khởi khi chương trình giáo dục di sản được đưa vào trong trường học. Với các em, chương trình giúp mở rộng sự hiểu biết về mảnh đất, những danh nhân nơi mình sinh ra và lớn lên, từ đó thêm tự hào và yêu quê hương. Đối với các thầy, cô giáo, chương trình đã mang tới những nguồn tư liệu phong phú để làm chất liệu đưa vào các bài giảng. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên tích hợp các kiến thức về lịch sử, truyền thống của quê hương lồng ghép vào các bài giảng.
Theo ông Đỗ Văn Dần, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bình Giang, tại huyện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Bình Giang hiện có 310 di tích lịch sử (trong đó có 15 di tích cấp Quốc gia); hàng ngàn hiện vật (trong đó có trên 500 hiện vật quý hiếm có nhiều giá trị về nghệ thuật, khoa học, kiến trúc, văn hóa).
Việc giáo dục truyền thống lịch sử cho giới trẻ luôn là nội dung được địa phương quan tâm. Từ khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai chương trình, Phòng đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch giáo dục di sản văn hóa; phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình; phối hợp với các điểm di tích bố trí người am hiểu thuyết minh di tích cho các học sinh.
Thời gian tới, Phòng Văn hóa Thông tin cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ cùng đánh giá lại hiệu quả chương trình; từ đó, phát huy những điều làm được và khắc phục những tồn tại để nhân rộng ra các trường trên địa bàn.
Việc giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường là hoạt động nhằm cụ thể hóa hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học, được tỉnh Hải Dương triển khai từ năm 2015. Đến nay, chương trình đã được tổ chức tại các địa phương như: Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Miện, Ninh Giang, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Bình Giang.