Đỗ Nhuận - “cây đại thụ” của nền âm nhạc Việt Nam

Nhớ đến nhạc sỹ Đỗ Nhuận (1922 - 1991), là nhớ đến một người nhạc sỹ - chiến sỹ tài năng và dũng cảm với nhiều tác phẩm âm nhạc từ trước năm 1945 như “Chiều tù”, “Côn Đảo”, “Du kích ca”… Sau Cách mạng tháng Tám, âm nhạc Đỗ Nhuận cứ thế “cao chất ngất” với “Nhớ chiến khu”, “Đường trường vô Nam”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Du kích Sông Thao”… rồi những vở nhạc kịch lớn như “Cô Sao”, “Người tạc tượng”… Có thể nói, ông là một “tầm vóc vạm vỡ” trong nền âm nhạc Việt Nam. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II từ 1958 đến 1983. Ông cũng là một trong 5 người đầu tiên được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận tại lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Hai, năm 1987.

Trong tiết trời dịu mát của những ngày cuối tháng Tám, chúng tôi tìm gặp nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, con trai trưởng của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, để nghe ông kể chuyện về cha mình.

Tiếng hát trong tù

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận sinh ra trong một gia đình nông dân ở thôn Vạc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông rời quê từ nhỏ, sống nhiều năm ở thành phố cảng Hải Phòng, nơi cha ông bị bắt phục vụ trong đội quân nhạc với vai trò "lính kèn Tây". Mặc dù không được học về nhạc, nhưng vốn có năng khiếu, lại tự học các nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn bầu từ nhỏ, nên từ năm 17 tuổi (năm 1939) tại Hải Dương nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Đỗ Nhuận đã sáng tác ca khúc đầu tiên, bản “Trưng Vương”. Sau đó, lấy cảm hứng từ lịch sử, ông viết các ca khúc “Chim than”, “Lời cha già”, “Đường lên ải Bắc”, là cơ sở để sau này ông soạn vở ca cảnh “Nguyễn Trãi - Phi Khanh” (trong hai năm 1940, 1941).

Thời gian đó, nhạc sỹ Đỗ Nhuận được giác ngộ và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1943, Đỗ Nhuận tham gia in và rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng, treo cờ đỏ sao vàng trên phố huyện Kim Thành, nên ông bị bắt giam vào nhà lao Hải Dương. Cuối mùa hè năm 1943, ông bị đưa ra xét xử tại Tòa án sơ thẩm tỉnh Hải Phòng và nhận án 3 năm tù rồi bị giam giữ tại Hỏa Lò. Ở đây, ông được tiếp xúc với những nhà hoạt động cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Xuân Thủy, Đỗ Mười. Biết khả năng của ông, mọi người đã đề nghị ông “khuấy động” phong trào văn nghệ để giữ vững khí phách cho anh chị em tù nhân. Vậy là một dàn nhạc được thành lập và ông trở thành một người gần như đứng đầu trong lĩnh vực văn nghệ của nhà tù.

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận cùng các nhà thơ, nhà nghiên cứu Trần Văn Khê, Tố Hữu, Huy Cận, Bảo Định Giang (từ phải sang trái - ảnh chụp năm 1980).


Không chỉ viết nhạc, viết kịch, ông còn cùng anh em tù nhân chế tác nhạc cụ bằng những chất liệu đơn sơ nhất, như lấy vỏ quả bầu khô làm thùng đàn măngđôlin, mặt đàn mài từ thùng gỗ thông của hộp đựng cơm, cần đàn đẽo từ cây củi, bàn phím đàn làm từ ống bơ, dây đàn làm từ dây phanh xe đạp và dây điện, xin tóc chị em làm vĩ kéo… Bằng những nhạc cụ tự chế đó, dàn nhạc đã đi biểu diễn khắp các gian tù ở Hỏa Lò với các vở kịch thơ “Chiến sỹ và Hằng Nga” của Vương Gia Khương, “Cô gái Lam Hồng” của Đào Duy Kỳ và ca cảnh “Nguyễn Trãi – Phi Khanh” của Đỗ Nhuận, tất cả diễn viên đều là tù nhân bị giam ở Hỏa Lò lúc bấy giờ. Thời gian bị giam ở Hỏa Lò, ông đã sáng tác một số ca khúc “Chiều tù”, “Quảng Châu công xã”, “Côn Đảo”... Mùa xuân năm 1944, ông bị tòa thượng thẩm kết án 3 năm tù và đày đi nhà tù Sơn La. Trong 3 năm ở nhà tù Sơn La, nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã sáng tác nhiều bài hát: “Hận Sơn La”, “Viếng mồ tử sỹ”, “Du kích ca”... Hiện nay, ở nhà tù Sơn La vẫn còn lưu giữ những bút tích của ông.

Một trong những bài hát của nhạc sỹ Đỗ Nhuận được nhiều người hát trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền là tác phẩm “Du kích ca”. Theo ghi chép trong hồi ký của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, bài “Du kích ca” được sáng tác trong khoảng thời gian sau Tết âm lịch năm 1945. Khi đó, không khí cách mạng từ bên ngoài đã lan vào trong nhà tù Sơn La, anh em trong tù luôn hồi hộp dõi theo những tin tức cách mạng bên ngoài. Ban ngày mọi người vẫn đi lao động, vào buổi tối, trong các trại, anh em tù cuộn chiếu lại làm súng, vác trên vai, tập đi đều. Lúc này, có một chiến sỹ cách mạng nói chuyện về chiến thuật đánh du kích, nhắc đến khẩu hiệu của du kích là một viên đạn phải hạ được một quân địch, du kích với dân phải như cá với nước… Từ cảm hứng đó, ông đã sáng tác bài hát “Du kích ca”. Sau này cùng với “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao và “Diệt phát xít” của nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi, “Du kích ca” là một trong những bài hát được hát nhiều nhất trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền.

Đánh địch bằng âm nhạc

Sau khi ra tù, Đỗ Nhuận cùng một số đồng chí trở về Hà Nội, tìm cách liên lạc với nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi, Văn Cao... Với tinh thần đâu có quần chúng là có thể sống và hoạt động được, Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác và tuyên truyền cách mạng qua các ca khúc của mình. Trước ngày tổng khởi nghĩa, nhạc sỹ Đỗ Nhuận thường xuyên xuống đường, cùng tham gia hát và hướng dẫn mọi người tập hát đúng nhạc những bài hát cách mạng. Thời gian này, ông cũng được phân công sửa bản in cho báo “Cứu Quốc”, nhiều khi được đồng chí Xuân Thủy phân công đi lấy tin, viết bài ngắn… Sau khi cách mạng thành công, ông vào đoàn kịch Anh Vũ, vừa đi biểu diễn vừa tranh thủ tuyên truyền cách mạng cho bà con nhân dân ở nhiều nơi như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương…

Giai đoạn này, ông viết nhiều bài hát và được phổ biến như: “Nhớ chiến khu”, “Đường trường vô Nam”, “Tiếng súng Nam bộ”, “Bé yêu Bác Hồ”, “Ngày Quốc hội”... Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, ông có những ca khúc như “Đoàn lữ nhạc”, “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Tình Việt Bắc”, “Lửa rừng”, “Tiếng hát đầu quân”, “Áo mùa đông”, “Đèo bông lau...”. Trong đó, ca khúc “Hành quân xa” với câu hát nổi tiếng "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi" và trường ca bất hủ “Du kích sông Thao” được coi là những tác phẩm kinh điển của âm nhạc Việt Nam.

Sau hòa bình năm 1954, Đỗ Nhuận tiếp tục sáng tác và có mặt trong lĩnh vực khí nhạc Việt Nam. Đến năm 1960-1962, ông được đi học tại Nhạc viện Tchaikovsky, và sau đó, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng như tổ khúc giao hưởng Điện Biện (1965), giao hưởng thơ Đimitrov (1981)... Đặc biệt, ông là nhạc sỹ đã soạn ra vở nhạc kịch “Cô Sao” (1965), “Người tạc tượng” (1971)… là những vở nhạc kịch nổi tiếng của Việt Nam.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cho biết, cuối năm 1945, nhạc sỹ Đỗ Nhuận có viết bài hát về cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Việt Nam. Mới đây, bài hát được phục dựng lại theo trí nhớ của một ông giáo già là Phạm Văn Đùng, năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng ông Đùng không nhớ tên tác giả. Sau này, qua tìm kiếm trên các tư liệu, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã phát hiện ra tác giả bài hát này lại chính là nhạc sỹ Đỗ Nhuận, cha ông. Ngoài bài ca bầu cử đầu tiên, nhạc sỹ Đỗ Nhuận còn có bài hát “Ngày Quốc hội” để chào mừng Quốc hội đầu tiên và bài hát này cũng mới được dàn dựng lại.

Đến bây giờ, đã 10 năm kể từ khi nhạc sỹ Đỗ Nhuận ra đi, nhưng mỗi mùa thu tháng Tám, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, những người dân Việt Nam lại nhớ đến ông - cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận - một trong những nhạc sĩ tiên phong của âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN