Cùng với các di sản phi vật thể, các di sản văn hóa vật thể (các di tích) là yếu tố quan trọng tạo nên hồn cốt, bản sắc văn hóa của mảnh đất Sài Gòn - Gia Định xưa, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Để hệ thống các di tích văn hóa lịch sử sống cùng thời gian, phát huy giá trị một cách hiệu quả không thể chỉ dừng lại ở công tác bảo tồn đơn thuần mà còn phải đưa vào khai thác, gắn với xây dựng các tour, tuyến du lịch, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và khám phá của du khách. Việc gắn di tích với hoạt động du lịch cũng chính là giải pháp cho bài toán bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Di tích - tài nguyên du lịch quan trọng
Nói đến Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia đã khẳng định, thành phố rất có lợi thế để xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể. Du lịch văn hóa chính là loại hình du lịch được phát triển dựa trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nét đặc sắc của văn hóa truyền thống đi đôi với tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại.
Nói về tài nguyên du lịch văn hóa cũng như sức hấp dẫn của loại hình du lịch này đối với du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên (Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 386 tài nguyên du lịch; trong đó phần lớn là tài nguyên du lịch văn hóa (gồm cả loại hình văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể). Trong khi đó, theo thống kê, khoảng 56% du khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu được tìm hiểu, khám phá các điểm đến là di sản văn hóa. Thời gian du khách dành cho việc tham quan trải nghiệm tại các di tích, xem biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống… chiếm khoảng hơn 1/4 tổng thời gian cả chuyến du lịch của khách.
Những số liệu thống kê này cho thấy hệ thống các di sản văn hóa nói chung, các di tích nói riêng là nguồn tài nguyên du lịch rất quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh. Lượng lớn du khách đến thành phố mong muốn được tham quan, khám phá hệ thống các những di tích, trải nghiệm những không gian di sản hoặc những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của thành phố.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch di sản tham quan các di tích sẽ đưa du khách tìm đến những giá trị về nguồn, tìm hiểu, tương tác và trải nghiệm để thẩm thấu những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Vấn đề đặt ra hiện nay là các nhà quản lý, công ty lữ hành cùng hành động động và có biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của hệ thống các di sản trong phát triển du lịch.
Khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh có đa dạng tài nguyên du lịch văn hóa, song theo Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, thực tế không phải di sản văn hóa nào cũng có thể đưa vào khai thác du lịch. Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 172 di tích đã được xếp hạng mới có khoảng 40 di tích có thể khai thác và được đưa vào chương trình tour của các công ty du lịch.
Thực tế này cho thấy để phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên của du lịch văn hóa, đưa di tích trở thành điểm đến thu hút du khách, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích phải được thực hiện hiểu quả hơn. Bên cạnh đó việc quảng bá, giới thiệu về giá trị của di tích cũng cần được các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh hơn nữa, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để hình thành nhiều tour, tuyến phù hợp với các đối tượng du khách; xây dựng những không gian giúp du khách có những trải nghiệm thú vị, đa dạng tại mỗi điểm đến di sản.
"Hút” du khách nhờ bảo tồn, phát huy hiệu quả
Điểm đến Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Củ Chi là một trong những di tích lịch sử đã được bảo tồn hiệu quả kết hợp với phát huy giá trị, khai thác gắn với các hoạt động du lịch một cách thành công ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 70 km, địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hệ thống địa đạo này đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp…
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cho biết: Hiện nay, khu Di tích địa đạo Củ Chi là một trong những điểm đến không thể thiếu dành cho du khách khi đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trong chương trình tham quan của rất nhiều công ty du lịch lữ hành. Trên 400 công ty lữ hành đã ký hợp đồng để đưa khách đến tham quan, trải nghiệm tại khu di tích lịch sử này trong các tuyến hành trình. Mỗi năm, khu di tích đón trên 1 triệu lượt du khách trong và ngoài nước.
Có được kết quả này, thời gian qua, Ban Quản lý di tích đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, không để di tích bị xâm hại hoặc xuống cấp. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo, việc đảm bảo tính chân thực, không làm biến dạng di tích được chú trọng thực hiện. Bên cạnh đó, nhằm làm phong phú thêm nội dung trưng bày tại khu di tích, tạo sự đa dạng cho tuyến, điểm du lịch, Ban Quản lý di tích còn tăng cường sưu tầm, bổ sung nhiều tài liệu, hiện vật, tái hiện một số hoạt động tại địa đạo Củ Chi trong những năm tháng chiến tranh. Đặc biệt, Ban Quản lý di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã đầu tư xây dựng khu tái hiện Vùng Giải phóng thể hiện cảnh sống và chiến đấu của người dân Củ Chi trước và trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược giai đoạn từ năm 1960 - 1975. Để giúp du khách cảm nhận được sự ác liệt của cuộc chiến từng xảy ra tại đây, đơn vị đưa vào phục vụ sa bàn biểu diễn đánh bại trận càn Cedar Falls của quân đội Mỹ vào vùng Tam giác sắt Củ Chi.
Với mong muốn truyền tải để du khách hiểu rõ hơn về cách đào địa đạo; sinh hoạt, ăn, ở, hội họp, cơ động chiến đấu của du kích, cách đánh địch trong đường hầm, mới đây đơn vị còn đầu tư xây dựng phòng chiếu phim 3D mô phỏng chiến dịch Cedar Falls với hình ảnh, âm thanh chân thực và trang thiết bị hiện đại để đưa vào phục vụ du khách từ ngày 1/11/2019. Tại phòng chiếu phim 3D, du khách được tham quan sa bàn, phim mô phỏng chiến dịch Cedar Falls, toàn bộ khu tái hiện Vùng Giải phóng và tham gia các mô hình trải nghiệm như: Cấy lúa, bắt cá, xay lúa, giã gạo, đan lát, đặc biệt là thực hành nghề làm bánh tráng truyền thống của người dân Củ Chi.
Rõ ràng, từ sự bảo tồn, tôn tạo hiệu quả gắn với hoạt động du lịch, điểm đến di sản như di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã thực sự sống cùng thời gian, có sức thu hút đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.