Để di tích sống cùng thời gian - Bài 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp mang tính căn cơ, tổng thể như: quy hoạch; lập hồ sơ, xác định “lý lịch” cho di tích; huy động các nguồn lực và khai thác, phát huy giá trị của di tích gắn với hoạt động du lịch là những giải pháp chính được TP Hồ Chí Minh xác định để các di tích nói riêng, hệ thống di sản nói chung trên địa bàn thành phố sẽ “sống” cùng thời gian, góp phần hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Chú thích ảnh
"Địa chỉ đỏ" Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Xác định di tích là tài sản quý và tính cấp bách của việc ngăn chặn ngay tình trạng xuống cấp, lấn chiếm các di tích, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho rằng, giải pháp quan trọng đầu tiên chính là tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ được giao, kịp thời xác định giá trị của di tích và đưa ra các biện pháp cụ thể để bảo tồn di tích. Việc làm này cần khẩn trương vì “nếu mất đi rồi là không thể tìm lại được nữa”, ông Phạm Đức Hải cảnh báo.

Theo các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có nhiều di tích quốc gia, trong đó có cả di tích văn hóa lịch sử, di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, để bảo tồn hiệu quả các loại hình di tích này, thành phố cần coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn di tích. Chính quy hoạch phù hợp sẽ là cơ sở để nghiên cứu đề xuất các giải pháp, cách thức vận hành, duy trì hoạt động của di tích hoặc hỗ trợ sửa chữa, tu bổ di tích bằng nguồn xã hội hóa nhằm khai thác và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa cũng như bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu quan điểm: Đối với công tác quy hoạch, cơ quan chức năng không thể vì mục tiêu quy hoạch đô thị mà “bỏ quên” di sản. Bảo tồn di sản là một công việc đòi hỏi nỗ lực từ nhiều ban ngành, địa phương. Bảo tồn di sản nếu làm tốt không chỉ giúp phát triển kinh tế và văn hóa mà còn góp phần tăng cường bản sắc dân tộc cho cả quốc gia.

Liên quan công tác quy hoạch, để những di tích trên địa bàn được bảo tồn phát huy giá trị ngày càng tốt hơn,  Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết: Với đồ án quy hoạch chung của thành phố sắp tới, cơ quan chức năng sẽ có những chuyên đề sâu về khía cạnh văn hóa, từ đó đưa vào điều chỉnh hợp lý trong bản quy hoạch, thể hiện cái nhìn sâu hơn về bảo tồn, phát huy giá trị của di tích trên địa bàn thành phố.

Không chỉ dừng lại ở việc lập hồ sơ cho di sản, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng của thành phố cần đẩy nhanh việc lập hồ sơ khoa học cho di tích, di sản, từ đó đề ra các giải pháp tổng thể để bảo quản và phát huy từng di tích. Thành phố Hồ Chí Minh có 172 di tích đã được xếp hạng. Hồ sơ của mỗi di tích phải có những chi tiết cụ thể như được bảo quản, trùng tu như thế nào; cần nâng cấp, phát huy ra sao trong tổng thể. Nếu làm được như vậy, người trực tiếp quản lý, bảo vệ di tích chủ sở hữu của di tích sẽ thuận lợi hơn trong công tác bảo quản, trùng tu và phát huy giá trị của di tích.

Dưới góc độ của cơ quan chuyên môn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Võ Trọng Nam cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu, trình UBND thành phố đề xuất Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Chính phủ có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn về chính sách để các chính sách được thông thoáng hơn, thuận lợi hơn, quy tụ được nhiều hơn sự đóng góp của các lực lượng đối với công tác bảo tồn di tích.

Đơn vị phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn giá trị của các di tích cũng như những lợi ích nếu di tích được gìn giữ, tôn tạo và phát huy tốt hơn, được đưa vào khai thác, kết nối với du lịch... Sở Văn hóa, Thể thao thành phố tăng cường cung cấp, cập nhật những thông tin, quy định liên quan để những người trực tiếp làm nhiệm vụ tại các di tích hiểu rõ hơn các quy định của Nhà nước; đề xuất có thêm nguồn kinh phí hơn cho công tác bảo tồn di tích trong thời gian tới.

Huy động nhiều nguồn lực

Chú thích ảnh
Chợ Bến Thành. Ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức

Ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đối với công tác bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị các di tích, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho rằng, một trong những giải pháp không thể thiếu để việc trùng tu, di tích được hiệu quả đó là tăng cường kinh phí. Nhà nước đã đầu tư 500 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di tích ở thành phố, con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ngoài ra, tôn tạo, gìn giữ di tích cũng không thể chỉ phụ thuộc duy nhất vào nguồn kinh phí của Nhà nước mà cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng cả trong nước và quốc tế.

Từ năm 2009 - 2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã huy động được khoảng 400 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa để bảo tồn, nâng cấp di tích. Kết quả này rất đáng trân trọng song thời gian tới, công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các cấp, ngành tập trung tuyên truyền để cộng đồng mà trước tiên là chính những người đang sinh sống trên địa bàn có di tích nhận thức được giá trị, vốn quý của hệ thống di tích, từ đó có đóng góp tích cực hơn nữa trong công tác gìn giữ, bảo tồn di tích…

Đồng quan điểm không thể chỉ trông chờ vào một nguồn duy nhất là ngân sách nhà nước mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng, đóng góp cả về vật chất và tinh thần cho công tác bảo tồn di tích, ông Lê Tôn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh lý giải, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách, mỗi năm chỉ có 3 - 5 di sản được tiến hành trùng tu. Như vậy, phải mất rất nhiều thời gian nữa 172 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn thành phố mới được trùng tu, tôn tạo. Do đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa để công tác bảo tồn, di tích có thể “đi được đường dài”. Ngoài ra, ông Lê Tôn Thanh cho rằng, vai trò chủ động biết phối hợp của chủ thể trực tiếp quản lý, bảo vệ ở mỗi di tích là hết sức quan trọng; vừa phải có tâm nhưng cũng phải có nghề trong bảo vệ, giữ gìn di tích mới có thể đảm bảo công tác bảo tồn, tôn tạo di tích đạt hiệu quả cao.    

Bài cuối: Gắn di tích với hoạt động du lịch 

Thanh Trà (TTXVN)
Để di tích sống cùng thời gian - Bài 1: Khó khăn bảo tồn
Để di tích sống cùng thời gian - Bài 1: Khó khăn bảo tồn

Cùng với các di sản phi vật thể, hệ thống các di tích chính là nguồn tài sản vô giá mà các thế hệ tiền nhân đã để lại, là minh chứng cho bề dày lịch sử, bản sắc văn hóa vùng đất, quốc gia đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN