Còn nhiều cái khó

Nan giải bài toán đào tạo

Để nhạc giao hưởng phát triển trong tương lai, trước hết phải quan tâm đào tạo lớp nhạc công kế cận.

Trong danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh năm học 2011-2012 của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, số lượng thí sinh chuyên ngành giao hưởng như violon, viola, contrebass, kèn các loại… chiếm số lượng khá khiêm tốn. Khả quan hơn một chút là piano, còn lại áp đảo vẫn là thanh nhạc.

Thí sinh thi vào khoa Giao hưởng – piano của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cũng không nhiều hơn là mấy. “Piano còn đỡ, chứ violon, viola, contrebass thì rất đáng ngại. Đã có tình trạng thầy nhiều hơn trò, thầy không có trò mà dạy”, ông Phạm Trọng Chương, Chủ nhiệm khoa Giao hưởng – piano, cho biết.

Hiện nay, thu nhập của các nhạc công giao hưởng chưa tương xứng với nhiều năm khổ luyện.


Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cho biết thêm: “Không riêng gì giao hưởng, số lượng học sinh học các bộ môn âm nhạc khác cũng giảm đáng kể. Một phần là do sự phát triển thiếu định hướng và do nhu cầu hưởng thụ nhạc giao hưởng ở nước ta không nhiều. Xã hội hiện nay buộc người ta trước khi quyết định theo học ngành gì cũng phải tính đến đầu ra. Đó là một hạn chế. Hầu hết chỉ có con em trong nghề, tức là con nhà nòi còn chọn học”.

Cũng có em không phải con nhà nòi, nhưng say mê, quyết tâm thi vào trường. Nhưng rồi cũng chính em đó, đến 15-16 tuổi, giai đoạn quyết định để chọn nghề nghiệp trong đời, đã quyết định thôi học, chuyển sang học những ngành “hot” như công nghệ thông tin, tài chính kế toán… “Không phải vì các em không yêu nghề, nhưng gia đình, cuộc sống ép các em phải lựa chọn. Đó là một thực tế xã hội”, ông Chương ngậm ngùi.

Trong khi có đến vài trăm thí sinh đăng ký thi vào khoa Thanh nhạc, mà khoa này chỉ lấy có 40, thì tại khoa Giao hưởng – piano, chuyên ngành đàn dây, “thí sinh nào đăng ký thi vào là chúng tôi lấy hết”.

Theo ông Minh, việc hạ thấp tiêu chí tuyển sinh khiến chất lượng đầu vào không như mong muốn. Nhưng: “Thôi thì, không đào tạo được cao thì đào tạo phổ cập, nếu không đến một lúc nào đó, không có ai chơi violon nữa thì nguy lắm. Tôi cũng hy vọng trong vài năm tới, giao hưởng sẽ phát triển hơn, sẽ có vị trí xứng đáng hơn trong nền âm nhạc nước nhà”, ông Minh nói khi chia tay chúng tôi.

Nghệ sĩ giao hưởng - Khó giữ tình yêu với nghề

Hiện nay, nước ta có một số dàn nhạc chơi nhạc giao hưởng, gồm Nhà hát Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Những dàn nhạc này thường biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Nhà hát TP Hồ Chí Minh.

Để vào được các dàn nhạc này, các nghệ sĩ phải trải qua một quá trình tuyển chọn gắt gao. Bởi, nhạc giao hưởng không phải loại nhạc “dễ chơi”. Ngoài năng khiếu, họ phải chịu sự đào tạo khắc nghiệt trong nhiều năm. Chẳng hạn như violon, hoặc piano, quá trình đào tạo sẽ là 7 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp, 4 năm đại học. Vậy mà khi ra nghề, mức lương thật không xứng với sự khổ luyện đó.

Nhiều gia đình cho con học piano chỉ để phổ cập âm nhạc. Ảnh: Internet


Anh Phạm Thanh Hà, Trưởng bè 1 violon Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tâm sự: “Nếu chỉ trông chờ vào thu nhập ở nhà hát thì đến bản thân tôi cũng không nuôi nổi, nói gì đến gia đình, vợ con. Một buổi tập 12.000 đồng, tổng duyệt 50.000 đồng, diễn một đêm ở Nhà hát Lớn khoảng 150.000 đồng. Thu nhập như thế lấy gì mà sống”.

Anh Hà cũng như một số nghệ sĩ trong đoàn đã phải kiếm thêm từ những công việc khác. Ban ngày tập trong dàn nhạc, tối đến chơi đàn ở một số khách sạn, nhà hàng với tiền công một tối nhiều khi bằng một buổi biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Thế nhưng, anh Hà vẫn phải thừa nhận: “Để vừa nuôi được tình yêu nghề, vừa nuôi được 2 đứa con, vợ mình vẫn là chủ yếu”.

Còn anh Minh, một nhạc công viola được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp thì không thể trụ nổi với nghề dù đã có gần 10 năm ngồi dàn nhạc. “Giá như làm nghề này mà không phải nghĩ gì đến cơm áo gạo tiền thì tốt biết mấy”, anh Minh ao ước. Hiện anh Minh không còn nuôi dưỡng “tình yêu” bấy nhiêu năm cất công theo đuổi. Vài năm nay, anh chuyển sang làm công việc về nhiếp ảnh để có thu nhập cao hơn.

Thu nhập của giảng viên trong các trường đào tạo âm nhạc cũng không khả quan hơn. Giảng viên của khoa Giao hưởng – piano, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hầu hết là thạc sỹ, nhưng thu nhập cũng chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng. “Rất yêu nghề nhưng nếu không đi dạy thêm tại các trung tâm, hoặc nhận học sinh dạy tại nhà thì làm sao trụ nổi với nghề?”, một giảng viên nói.

Chính việc không sống nổi bằng nghề cũng đang dẫn đến tình trạng thiếu nhạc công ở một số dàn nhạc giao hưởng. “Các nghề khác lớp trẻ kế cận lớp già là chuyện đương nhiên, nhưng với những nhạc công biểu diễn nhạc cổ điển, số lượng kế cận đang không đủ thế chỗ những thế hệ già”, anh Hà lo lắng.

Nguyễn Cúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN