Chia sẻ của ông Hoàng Hải Âu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hoàng Gia Media Group; Tổng đạo diễn chương trình CEO-CKTC; “CEO-Những câu chuyện thật năm 2019” sẽ là một bước “lột xác” mới của chương trình, đẳng cấp hơn, mà cũng lại hấp dẫn hơn với người xem nhờ những câu chuyện thật trong kinh doanh, trong cuộc đời, rất gần gũi, do chính các CEO chia sẻ. Cùng với đó là Cafe CEO, nơi các CEO nổi tiếng cùng tranh luận “nảy lửa” để phân tích nguyên nhân thành bại, mặt mạnh mặt yếu của vị CEO là nhân vật chính của chương trình; cũng như chung tay đưa ra giải pháp để cùng nhau vượt qua khó khăn, phát huy những hiệu quả trong kinh doanh…
Hiện tại, 12 số đầu tiên của chương trinh đã được ghi hình xong, với 12 câu chuyện thú vị.
Số đầu tiên với tên gọi “Sự thử thách của niềm tin”, với sự góp mặt của CEO Vũ Thị Mai – Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Mỹ nghệ Đồng Kỵ Hướng Mai.
Đúng như tên gọi, câu chuyện thật trong mỗi chương trình chính là phần đặc sắc nhất, được dụng công nhất của Tổng đạo diễn Hoàng Hải Âu. Là hành trình đi tìm câu chuyện, viết kịch bản, rồi dựng.
Trong số đầu tiên, “Sự thử thách của niềm tin”, câu chuyện thật về một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống tại làng nghề Đồng Kỵ, Bắc Ninh, được thành lập năm 2003, CEO doanh nghiệp là người sinh ra và lớn lên tại làng nghề. Các sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều khách hàng ưa chuộng do sự tinh tế, đường nét mềm mại, là thành quả của sự kỹ càng, tỉ mỉ, chỉn chu của những người thợ tài hoa tại đây.
Năm 2005, khách hàng Trung Quốc bắt đầu đổ về Đồng Kỵ, họ đặt nhiều hàng, mà không quá khắt khe về chất lượng. Cùng với cả làng nghề, doanh nghiệp cũng phát tài nhanh chóng. Nhưng độ tinh tế, kỹ lưỡng và chau chuốt thì ngày một giảm sút, tỷ lệ nghịch với lợi nhuận thu về. Cũng từ đây, các khách hàng lâu năm thưa dần, thậm chí một khách hàng “ruột” đã lên tiếng khuyên gia đình, bạn bè đừng mua đồ gỗ tại doanh nghiệp vì chất lượng sản phẩm ngày càng đi xuống. Biết được việc đó, nhưng theo dòng chảy của kinh tế thị trường, CEO doanh nghiệp này “nhắm mắt” cuốn theo và tiếp tục đà kinh doanh vốn có.
Trailer số 1:
Năm 2006, đón đầu Olympic Bắc Kinh năm 2008, các thương lái người Hoa tăng cường đặt hàng để đầu cơ. Các hộ sản xuất và doanh nghiệp tại Đồng Kỵ cũng theo xu hướng sản xuất nhiều hơn để giữ khách, khách đặt 1 bộ thì sản xuất thành 15 bộ, thậm chí vay vốn nhập nguyên liệu và mở rộng sản xuất. Không ngoài “guồng máy” này, CEO của doanh nghiệp cũng huy động toàn bộ nguồn lực sẵn có và vay lãi từ nhiều nguồn khác nhau để chớp lấy thời cơ này.
Đầu 2008, khi Olympic Bắc Kinh chưa kịp diễn ra, thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ập xuống. Sản phẩm của Đồng Kỵ mất giá, chỉ còn 50% giá trị. Các thương lái người Hoa đồng loạt bỏ hàng đã đặt. Thị trường đồ gỗ mỹ nghệ đóng băng, các doanh nghiệp Đồng Kỵ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Khi đó,CEO của doanh nghiệp cũng rơi vào tình cảnh hết sức hiểm nghèo:Hàng chất lượng kém tồn đọng, chất đầy kho; không thể bán được hàng kể cả với giá rẻ để thu hồi dù được đồng nào hay đồng đó vì thị trường xuất khẩu đóng băng, khách hàng nội địa lâu năm không còn mặn mà. Trong khi đó, CEO cũng như gia đình theo nghề truyền thống từ nhỏ, nên nếu không theo nghề thì không còn kế sinh nhai. Muốn giữ nghề thì phải tiếp tục đầu tư sản xuất để giữ thợ, nhất là thợ bậc cao, như vậy chi phí sẽ chồng chi phí, trong khi đó doanh nghiệp đã “cụt” sạch vốn; nợ, lãi ngân hàng lên tới hàng chục tỷ đồng…
Vậy trong bối cảnh đó, CEO sẽ phải làm gì để thoát hiểm cho mình, cho doanh nghiệp và cho nhân viên của mình? Câu trả lời chính ở trong chương trình.