Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến quán “cà phê phong lan” (số 89, đường Lê Huân, TP Huế) là lời chào nhẹ nhàng, thân thiện của “ông chủ Thanh” và nụ cười rạng rỡ luôn thường trực trên đôi môi anh. Trong ngàn hương hoa lan tỏa mùi phảng phất, câu chuyện của chúng tôi cứ miên man dài dặc nhưng chặp hồi đứt đoạn vì khách liên tục vào ra. Anh đặt tên quán là “Ỷ lan Ochid” vì đây là loài lan anh thích nhất. “Cánh hoa Ý mảnh mai, trông mềm mại, dễ thương nhưng không kém phần nổi bật” - anh Thanh giải nghĩa.
Bơ phờ để trồng phong lan
Cùng chiều nghĩ như nhiều sinh viên khác, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Bảo quản - chế biến thực phẩm (trường Đại học Nông Lâm Huế), anh “Nam tiến” vào TP. HCM xin làm ở một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất. Trong nhiều lần đi giao hàng tại nhà, đặc biệt là tại các khách sạn, nhà hàng, nhìn người ta chơi lan, Thanh thích thú vô cùng. Không bỏ dở thú đam mê, Thanh vừa làm vừa tranh thủ lui tới các địa chỉ chơi, kinh doanh phong lan để góp nhặt kinh nghiệm trồng, chăm sóc loài hoa này. “Thực tình thời gian đó tôi chưa biết mấy về lan, thậm chí tên các loài lan tôi còn không nhớ nổi, phải “học đi học lại” khá nhiều lần”. Được bao nhiêu tiền lương, anh “đổ” cả vào “sự nghiệp phong lan”. Tuy nhiên, trong những tháng đầu, Thanh trồng đâu lan chết đó, nhiều khi lỗ cả vốn. Bản thân anh cũng thấy lạ khi bao tiền của đổ vào “sự nghiệp” phút chốc “bay cùng gió mây”. Trong khi, từ kỹ thuật trồng, chăm sóc, đến cách thức sử dụng phân, thuốc… anh đều làm na ná giống người ta. Dù vậy, Thanh vẫn không chán nản hay bỏ cuộc.
Anh Thanh và bộ sưu tập lan, tranh bướm.
|
Không ai nghĩ Thanh có thể cắm được những lẵng hoa đẹp như thế này. |
“Hàng phục” phong lan
Thanh bảo, anh không ưa ngồi một chỗ, ghét khuôn mẫu, thích khám phá, chạy nhảy… Và tính cách đó bộc lộ rõ trong niềm đam mê phong lan của anh. Từ chuyện lan chết hàng loạt không rõ lý do, Thanh tìm hiểu ngọn nguồn. Qua nhiều lần trao đổi, học hỏi bạn nghề, tìm tòi sách vở và tài liệu trên mạng, Thanh mới biết chơi lan ở Huế khác hẳn những nơi anh từng đặt chân đến. “Khí hậu Huế thường mát mẻ, không khí như thể mang hơi nước, lại hay mưa nên lan đem từ những vùng khác về trồng rất khó thích nghi. Vì vậy, chúng cần chế độ chăm sóc đặc biệt” – Thanh phân tích. Kể từ đó, anh chăm sóc lan như “con mọn”. Ngay cả “giờ giấc” tưới nước, giai đoạn sử dụng các loại phân, thuốc trên lan, anh cũng tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt. “Thực hiện như yêu cầu đã định nhưng phải phù hợp với “ngữ cảnh” lan mới ra hoa đúng hẹn, còn không, sẽ nở sớm, hoặc nở muộn. Người chơi lan phải chủ động ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống” – Thanh cho hay.
“Phong lan giống như con người vậy, cũng có linh hồn, tính nết nên không thể trồng ra là bỏ mặc nó cho gió sương được”. “Giả dụ như trời đang mưa mà mang phân ra tưới coi như giết cây. Bởi trong nước mưa đã có một lượng phân vừa đủ để lan hấp thụ” – Thanh dẫn chứng. Việc sử dụng giá thể (vật lan bám vào để sinh trưởng, phát triển) trên lan cũng là điều Thanh đặc biệt quan tâm. Nếu như dân chơi lan thường buộc, ghép lan trên gỗ khô thì anh lại ghép trên gỗ tươi. “So với gỗ khô và những giá thể khác, gỗ tươi thường chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, giúp lan ăn dần lâu hơn. Vì vậy, hạn chế đáng kể được phân ngoài. Khi gỗ mục, lan phát triển mạnh, ta thay vào giá thể khác để tái sinh nguồn dinh dưỡng”.
Vừa trồng vừa thu thập lan theo hướng đa chủng loại, đến nay Thanh đã sở hữu được hàng trăm loài lan có mặt khắp nơi trên mọi miền đất nước. Không chỉ lan rừng, thông qua mối quan hệ với bạn bè quốc tế, anh còn “sưu tập” được hàng chục loài lan lạ, độc có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng các vườn lan khác không dễ gì có. Đặc biệt, có loài rất “khó tính” như lan Phương Nhung, nhiều tay chơi phải ngậm ngùi chịu thua nhưng Thanh vẫn trồng được. Nhiều khách chơi lan đến tuổi bạc đầu cũng phải nể phục ý chí và lòng kiên nhẫn của Thanh. Không ít người buột miệng, Thanh già dặn hơn họ cả về sự hiểu biết và kinh nghiệm trồng lan. Trong buổi chuyện trò cùng chúng tôi, anh liên tục nhận được điện thoại từ khách nhờ tư vấn chơi lan. Mỗi cuộc kéo dài đến 5, 10 phút vì anh tận tình hướng dẫn, chỉ vẽ rất cặn kẽ từng tí một cho khách thực hiện.
Với Thanh, việc vui vẻ cởi mở, trao đổi thân thiện cùng bạn nghề và khách hàng là một trong những yếu tố góp nên thành công hôm nay. Anh từ tốn: “Có những kiến thức về lan mình chưa biết nhưng người khác biết và ngược lại. Học hỏi lẫn nhau như thế sẽ rất nhanh tiến bộ”. Ngày thường, chủ nhật hay ngày lễ, quán “cà phê phong lan” của Thanh đều đông khách. Và hầu như chẳng ai quan tâm chuyện mặc cả về giá, đổi lại, khi nghe tin Thanh có lan lạ là họ lại cất công đến mua bằng được. Thanh cười hồn nhiên: “Có thể vì mình bán đúng giá, khách hỏi gì mình nói nấy, không giấu giếm bí quyết chơi lan nên khách người ta thích cũng nên”. Một vài loài lan quá khó trồng, Thanh hạn chế bán cho khách vì anh lo khách trồng “thất bại” thì mình lại mang tiếng, mất uy tín. Tuy nhiên, nếu ai thực sự đam mê, muốn chơi bằng được loài lan đó, anh vẫn sẵn sàng bán, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm. “Thanh nó hiểu lan đến tận chân tơ kẽ tóc. Vì vậy, mỗi khi gặp rắc rối chi về lan là chị lại đến nhờ em chỉ vẽ” – chị Nguyễn Ngọc Hà, một khách quen của Thanh tâm sự.
Ngoài kinh doanh phong lan, Thanh còn nhận thiết kế lẵng hoa theo yêu cầu. Là con trai nhưng Thanh lại có biệt tài cắm hoa khiến cánh chị em phải nể phục. “Cũng hoa cũng giỏ vậy nhưng không hiểu sao lẵng hoa mình “chế” lại được nhiều khách khen lạ, sáng tạo” - Thanh khoe. Vì thế mà trong những ngày lễ, shop hoa do chính tay Thanh cắm bán khá chạy. Đặc biệt, bộ sưu tập tranh bướm khô do anh sưu tầm được rất nhiều người ưa chuộng và đặt mua. “Đây là thú chơi mới của người dân Huế bởi phong cách lạ và công phu” – Thanh thổ lộ.
Bài và ảnh: Nguyễn Phước Tín