Trong bối cảnh nhu cầu chuyển đổi xanh và đảm bảo an ninh năng lượng, điện khí LNG đang trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của nguồn năng lượng sạch này, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, đó là chi phí cao và các yêu cầu đầu tư hạ tầng đặc thù.
Các thông tin trên sẽ được các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận và phân tích trong Tọa đàm: Luật Điện lực (sửa đổi) và các tác động đến chiến lược phát triển năng lượng tại Việt Nam trên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Chương trình được phát sóng chính vào khoảng 21h00 thứ Hai và phát lại vào khoảng 17h00 thứ Ba hàng tuần. Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) - Đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đủ điều kiện xuất, nhập khẩu LNG.
Đây là chương trình thuộc thể loại truyền hình nghị luận, mang đến cái nhìn đa chiều và sâu sắc về các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực năng lượng, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành.
Kết cấu chương trình gồm có 5 phần: MC chào dẫn (1-2 phút): Giới thiệu chủ đề của số phát sóng; Phóng sự mở đầu (3-5 phút): Trình bày các vấn đề nổi bật qua các tình huống thực tế.; Nghị luận (10-15 phút): Thảo luận các vấn đề chính với sự tham gia của khách mời, xen kẽ với các phóng sự nhỏ và câu hỏi minh họa; Tương tác (5-10 phút): Khách mời trả lời câu hỏi của khán giả và mở rộng chủ đề thảo luận; Chào kết (1 phút): Tổng kết nội dung chương trình và khuyến khích khán giả theo dõi các số phát sóng tiếp theo.
Khách mời tham gia thảo luận lần này gồm có Ông Hoàng Trọng Dũng: Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS); ông Đào Nhật Đình: Chuyên gia năng lượng, TS. Nguyễn Thành Sơn: Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng. Chương trình sẽ có các nội dung chính như sau:
- Các yếu tố cấu thành giá điện khí, trong đó giá LNG nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, giải pháp để giảm chi phí nhập khẩu LNG và ổn định giá thành trong dài hạn.
- Vai trò của các quy định trong Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đối với sức cạnh tranh của điện khí LNG, ảnh hưởng của cơ chế giá điện hai thành phần đặc thù đối với hạ tầng LNG.
- Những điểm có thể cải thiện để điện khí trở nên cạnh tranh hơn về giá so với các nguồn năng lượng khác. Đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư và kinh doanh LNG.
Cơ chế để điện khí LNG vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa phù hợp với năng lực tài chính của nền kinh tế. Các bài học từ quốc tế, như trường hợp Thái Lan tăng cường nhập khẩu thủy điện từ các nước láng giềng.
Chương trình nhằm cung cấp diễn đàn để cử tri, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu cùng trao đổi, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực năng lượng. Qua đó, khán giả sẽ hiểu rõ hơn về những tác động của Luật Điện lực sửa đổi đối với sự phát triển kinh tế và xã hội.