Thành phố Thái Nguyên vươn tầm cao mới

Từng là “cái nôi” của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam, trải qua 56 năm xây dựng và phát triển, Thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đang từng bước khẳng định vị thế đô thị trung tâm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Lịch sử hào hùng

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ gây chấn động địa cầu, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu công cuộc phát triển đất nước sau chiến tranh. Năm 1956, Khu Tự trị Việt Bắc được thành lập với thị xã Thái Nguyên vừa là tỉnh lỵ tỉnh Thái Nguyên, vừa là Thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc. Sự ra đời của Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên đã đánh dấu mốc son quan trọng của ngành công nghiệp luyện kim non trẻ của nước ta. 

Xuất phát từ thực tiễn phát triển của thị xã Thái Nguyên, ngày 19/10/1962, Chủ tich hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), đã ký Quyết định số 114/CP thành lập TP Thái Nguyên trên cơ sở từ thị xã Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên hơn 100 km2, dân số khoảng 60.000 người. Từ đây, TP Thái Nguyên mang trên mình một sứ mệnh lịch sử đó là phải phát triển toàn diện xứng tầm với vai trò và vị trí của của trung tâm vùng Việt Bắc, thủ phủ của Chiến khu gió ngàn. Từ năm 1962 đến năm 1975, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, chiến tranh leo thang, TP Thái Nguyên đã bị ảnh hưởng rất nặng nề, các nhà máy công nghiệp như: Nhiệt điện Cao Ngạn, KCN Gang Thép đã bị đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom; nhiều bệnh viện, trường học, các cơ sở sản xuất đã phải sơ tán…Vừa sản xuất vừa chiến đấu chống đế quốc Mỹ, TP Thái Nguyên đã mở rộng phát triển kinh tế tập thể, phát triển các hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; nhờ đó không những đảm bảo được đời sống của nhân dân, mà còn làm tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam, đóng góp tích cực vào thắng lợi chung của toàn dân tộc..

Chú thích ảnh

Trong thời kỳ đổi mới, TP Thái Nguyên đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Năm 2002, TP Thái Nguyên được Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh và nâng cấp thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh năm 2010. Trong quá trình xây dựng và phát triển, TP Thái Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng nhất, hạng ba; Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba…

Vươn tầm cao mới

Qua 56 năm xây dựng và phát triển, phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, khắc phục những khó khăn, thách thức, TP Thái Nguyên đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, diện mạo đô thị văn minh, hiện đại đang dần hình thành. 
Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương đạt hơn 5.300 tỷ đồng, thu ngân sách đạt trên 1.500 tỷ đồng; diện mạo đô thị có nhiều chuyển biến rõ nét, không gian đô thị được mở rộng theo quy hoạch được phê duyệt; công tác thu hút đầu tư được tăng cường với 22 dự án đầu tư có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 31.700 tỷ đồng, bằng khoảng 44% tổng số vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. 

Nhiều dự án đầu tư lớn vào Thành phố đang được triển khai như: Dự án xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài kết nối với Khu du lịch Hồ Núi Cốc; Đề án xây dựng cấp bách, hệ thống chống lũ lụt sông Cầu, kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu; Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Thái Nguyên”; Dự án xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp và các dự án xây dựng khu đô thị, hệ thống vỉa hè, thảm đường và trồng cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, đèn trang trí các tuyến phố trong Thành phố…

Chú thích ảnh

Theo ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND Thành phố Thái Nguyên, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững, thu ngân sách cả năm 2018 đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Tập trung chỉ đạo thực hiện các đề án về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, giai đoạn 2016 - 2020. Thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một số đề án, dự án, công trình trọng điểm như: Dự án xây dựng Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tại phường Đồng Bẩm; Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh tại ga Lưu Xá, phường Gia Sàng; Dự án phát triển tổng hợp các đô thị động lực vốn Ngân hàng Thế giới…

Với sự đồng lòng, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố anh hùng, mục tiêu xây dựng Thành phố Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại, tương xứng với vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.   

P.V 
Xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Thái Nguyên: Bài 2 - Những khó khăn cần tháo gỡ
Xây dựng Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Thái Nguyên: Bài 2 - Những khó khăn cần tháo gỡ

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, đến thời điểm 31/10/2018, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh là trên 4.700 doanh nghiệp, trong đó hoạt động theo hình thức công ty cổ phần là 1.362 doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN