Trong gần 1 năm trở lại đây, Khu du lịch văn hoá tâm linh Samten Hills Dalat nổi lên là địa điểm hàng đầu để du khách lựa chọn khi đến với Lâm Đồng. Nhưng hiếm có người biết rằng, kỳ tích của Samten Hills Dalat là biến một ngọn núi thổ nhưỡng nghèo nàn, đường sá đi lại khó khăn, lại xa trung tâm phố thị, thành một khu du lịch nổi tiếng như hiện nay.
Những người xây dựng nên Khu du lịch văn hoá tâm linh Samten Hills Dalat (thôn Kambute, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã thổi làn gió mới, khởi tạo xu hướng mới cho du lịch Lâm Đồng, phác hoạ thêm nét chấm phá độc đáo cho ngành công nghiệp không khói Việt Nam.
Để chứng thực những gì người ta "đồn đại", tôi ghé thăm Khu du lịch Samten Hills Đà Lạt - cái tên được truyền thông, cộng đồng mạng xã hội nhắc đến nhiều trong thời gian qua.
Từ trung tâm thành phố Đà Lạt di chuyển khoảng 40 phút bằng ô tô, tôi có mặt ở cổng làng Kambute. Nơi này tôi đã từng qua và chứng kiến Kambute với hình ảnh một thôn bản nghèo khó, 98% là đồng bào dân tộc K’Ho sinh sống. Nơi đây đất đai cằn cỗi, nắng nóng khắc nghiệt, nên ngay cả cỏ dại cũng chẳng lên nổi, những đồi thông cây thưa thớt, chỉ cao hơn đầu người, dù đã trồng cả chục năm. Theo người dân địa phương, đất ở những ngọn núi chỉ có đem nung làm gạch là tốt nhất. Chẳng vậy mà tại khu vực này, có nhà máy gạch rất lớn đã hoạt động từ nhiều năm nay.
Vậy nhưng, từ tháng 3/2023 trở lại đây, dòng người từ các nơi đổ về thôn Kambute tăng lên rõ rệt. Theo Chủ tịch UBND xã Tu Tra Trương Văn Hùng, bình quân mỗi ngày khách du lịch tới địa bàn để đến Khu du lịch Samten Hills lên tới cả ngàn người, vào cuối tuần con số này gấp đôi, gấp ba. Nhờ vậy, từ khóa KamBute cũng được tìm kiếm, nhắc đến nhiều hơn. Trên google, chỉ cần gõ từ khoá “Kambute” thì chỉ trong vòng 0,26 giây hiển thị hơn 2.000 kết quả; còn gõ “Samtens Hills” thì có tới 127.000 kết quả hiển thị chỉ trong 0,37 giây.
Gieo hạt trên vùng đất khô khó
Nhiều người từng am hiểu vùng đất này, nhất là đồng bào địa phương gọi sự thay đổi này là một kỳ tích. Họ kể lại rằng, 40- 50 năm trước, nơi đây từng là 1 cánh rừng đại ngàn, với những cây cổ thụ trăm năm tuổi. Rồi “công cuộc phá rừng” đã lấy đi tất cả, chỉ còn trơ lại 1 vùng đất chết, doanh nghiệp trồng rừng trước đây đã nhiều lần thất bại bởi không trồng nổi cây gì trên mảnh đất này. Vậy rồi khi Công ty Kim Phát đã làm ngọn núi cằn cỗi này đang dần xanh trở lại. Những người trồng cây phải cải tạo từng thớ đất, tiết kiệm từng giọt nước mới có thể làm cây cối xanh tươi. Điều bất ngờ nhất là những người hình thành nên Samtens Hills rất tạo bạo khi chọn vị trí xa Đà Lạt, vùng khó khăn để làm du lịch.
Đến với Khu du lịch này, du khách sẽ bất ngờ với cụm công trình quá kỳ vĩ, với kiến trúc độc đáo, nhất là Đại bảo tháp Kinh Luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek, được làm bằng đồng tinh khiết, dát vàng 24k, đã chính thức được xác lập kỷ lục thế giới Guinness World Record vào cuối năm 2022 và trở thành Đại bảo tháp Kinh Luân lớn nhất thế giới. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng đã chính thức trao tặng "Chứng nhận Không gian văn hóa tâm linh" cho Không gian Phật giáo Kim cương thừa bên trong Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat. Rồi ngày 3/8/2023, Khu tham quan du lịch Samten Hills Dalat đã vinh dự được vinh danh là “Điểm đến du lịch văn hoá tâm linh hấp dẫn Châu Á - Thái Bình Dương”…
Càng nể phục hơn khi biết rằng toàn bộ Samten Hills Dalat được hoàn thành trong 2 năm 8 tháng, một kỳ tích bởi nhiều dự án du lịch nhỏ hơn nhiều lại cứ chây ì năm này qua năm khác, chủ đầu tư mua đi bán lại, thậm chí là kinh doanh dự án. Còn ở đây những người khởi tạo giá trị mới đã nói và làm. Đó thực sự là điều trân quý trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn này.
Trái ngọt đầu mùa
Đến với thôn Kambute hôm nay, tôi thực sự ngỡ ngàng bởi sự thay đổi giống như sự “lột xác”. Vùng đất vắng lặng ngày nào, nay bỗng chốc sầm uất bởi dòng người ưa khám phá cái mới lạ, chiêm ngưỡng sự độc đáo. Đi dọc đường thôn, quán nước, cửa hàng tạp hóa mọc lên san sát, những ngưòi dân vốn chỉ biết cầm cuốc lên nương rẫy nay đã bập bẹ buôn bán- dấu hiệu của một sự dịch chuyển tích cực. Mấy cô chủ cửa hàng nở nụ cười tỏa nắng kể lại, nhờ bán giải khát, hàng tạp hóa hay quán ăn phục vụ cho du khách, thu nhập một tuần cũng hơn lên rẫy cả tháng, lại không phải phơi nắng khiến cả người đen thui như trước kia.
Sau 8 tháng đi vào hoạt động, thật vui và bất ngờ bởi hiệu quả của Samten Hills Dalat, chỉ 1 dự án của doanh nghiệp, nhưng đã làm thay đổi cả một vùng đất gian khó khi xưa. Vui hơn khi nghe chị Nguyễn Thu Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Kim Phát, đơn vị chủ đầu tư Samten Hills Dalat chia sẻ: "Sóng gió đã qua, cây xanh đã mọc và khách vẫn tới đều đều, chúng em sẽ cố gắng phục vụ khách tốt nhất".
Có dịp mục sở thị Samten Hills mới biết, để có những thảm cỏ xanh, hàng cây xanh mướt... hàng trăm công nhân mà chủ yếu là bà con dân tộc K’Ho địa phương đã kỳ công cải tạo dần dần, làm giàu từng cm đất. Trước tiên họ phải cào bỏ bề mặt sỏi đá rồi đổ đất mịn, trộn phân bón xong mới trồng cây. Cứ thế, những ngọn đồi xanh lên từng ngày.
Rời Khu du lịch Samten Hills Dalat, tôi tin tưởng và hy vọng rằng với sự nhiệt huyết, khát khao sáng tạo của mình và cả tâm nguyện hiến dâng, những người làm du lịch ở Samten Hills sẽ tiếp tục gìn giữ, kiến tạo thêm nữa những giá trị tốt đẹp giữa đại ngàn Tây Nguyên.