Sau năm 1975, tôi đã có một thời gian khá dài sống và công tác tại huyện Đơn Dương. Trong thời gian này, tôi cũng nhiều lần đến với bà con dân tộc ở xã Tu Tra, nhờ đó, đã được chứng kiến cuộc sống với bao khó khăn, vất vả của bà con nơi đây. Đặc biệt, đường sá đi lại giữa các thôn trong xã rất nan giải. Cả một vùng núi hoang vắng, dân sống thưa thớt, nghèo nàn và lạc hậu…
Thế nhưng, từ năm 2000 đến nay, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay đáng kể, nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, từ trung ương đến địa phương, nhất là sự đầu tư xây dựng của các doanh nghiệp đến từ nhiều nơi trong tỉnh và cả nước. Trong đó, sự đầu tư của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Kim Phát (Công ty Kim Phát) rất "đáng giá". Bên cạnh việc xây dựng các hạng mục theo giấy phép đầu tư, công ty đã đưa vào hoạt động Khu tham quan du lịch Văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat, với nhiều điểm nhấn, trong đó đặc biệt là Đại Bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới, bước đầu tạo được tiếng vang đáng kể.
Đầu tháng 3/2023 vừa qua, Samten Hills Dalat chính thức được khánh thành, và từ đó đến nay, đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan.
Samten Hills Dalat được xây dựng trên một vùng đồi thuộc thôn Kambute, vốn là một vùng đất hoang vắng, cằn cỗi. Nhờ sự đầu tư của Công ty Kim Phát, cả thôn Kambute đã được thay đổi hoàn toàn.
Lấy cảm hứng từ các dãy đồi quanh Hy Mã Lạp sơn, quần thể kiến trúc này đã tạo nên một cảnh quan Phật giáo hùng vĩ. Sự hình thành Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh này cũng góp phần khơi thông và tiếp nối dòng chảy lịch sử Phật giáo Mật Tông, Kim Cương Thừa từ hơn 1000 năm trước của cha ông ta, từ các thời Lý, Trần.
Quần thể kiến trúc Phật giáo tại Samten Hills Dalat đặc sắc với đại bảo tháp Kinh luân, nhà trưng bày văn hóa Phật giáo Kim cương thừa, hệ thống tượng Phật độc đáo cùng cảnh quan thiên nhiên hung vĩ. Nhờ vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi khánh thành, Samten Hills Dalat đã có sức thu hút và lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong cộng đồng Phật tử, những người đam mê tìm hiểu văn hóa, du lịch tại Việt Nam, mà còn thu hút du khách trên khắp thế giới.
Đến Samten Hills Dalat, du khách như lạc vào một không gian thuần tịnh, an lạc với điểm nhấn là Không gian văn hóa tâm linh đã được Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam công nhận là Không gian Văn hóa Tâm linh Phật giáo Kim Cương Thừa tại Việt Nam. Đây cũng chính là điểm thu hút độc đáo nhất và mang trong mình giá trị cốt lõi của dự án Samten hills Dalat.
Không gian Văn hóa Phật giáo Kim Cương Thừa tại Samten Hills Dalat là một quần thể được tạo tác bằng những thực hành mỹ thuật cổ xưa từ đôi bàn tay của những họa sư đến từ vùng đất Nepal - nơi đã sinh ra Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - Bậc thầy lớn của nhân loại. Từng đường nét, họa tiết đều được thực hiện thủ công và mang những ý nghĩa sâu xa,cao quý và huyền bí.
Lâm Đồng kỳ vọng đón 8 triệu lượt khách
Năm 2022, Lâm Đồng đã thu hút được hơn 7 triệu lượt khách du lịch, đem lại doanh thu cho ngành du lịch đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, trở thành một trong những tỉnh đón được nhiều khách du lịch của cả nước. Năm 2023, Lâm Đồng đặt mục tiêu sẽ đón 8 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cùng với việc tích cực quảng bá, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước, việc ngày càng có nhiều khu tham quan, du lịch được đầu tư đã và đang thu hút đông đảo du khách như Samten Hills Dalat do Công ty Kim Phát thực hiện là cần thiết. Đó cũng là điều kiện quan trọng để Lâm Đồng đạt được mục tiêu 8 triệu lượt khách trong năm nay.
Trong Không gian văn hóa tâm linh Phật giáo tại Samten Hills Dalat, nổi bật nhất và thu hút nhiều du khách trong thời gian gần đây là Đại bảo tháp kinh luân được làm bằng đồng tinh khiết mạ vàng 24 kara, bên trong có chứa một tỷ câu thần chú Om Mani Padme Hum. Đại bảo tháp cao 37,22m, đường kính 16,53m, được xác lập là kỷ lục thế giới cho Đại bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới vào cuối năm 2022. Sự kiện góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh của cho khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat, đưa hình ảnh của tỉnh Lâm Đồng - Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới. Đại bảo tháp kinh luân là biểu tượng của tình hữu nghị, hoà bình, văn hóa ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ và quốc tế.
Để tạo nên một Samten Hills Dalat kỳ vĩ như hiện nay, chủ đầu tư đã vượt qua nhiều khó khăn, huy động được một đội ngũ thiết kế, thi công gần 100 người, trong đó có 16 nghệ nhân đến từ Ấn Độ, Nêpan trực tiếp thi công các phù điêu, lên màu và dát vàng lên toàn bộ thân bảo tháp. Mặc dù trong thời gian thi công, dịch Covid-19 đã gây không ít khó khăn, nhưng chủ đầu tư vẫn tìm mọi cách khắc phục để duy trì tiến độ, và đảm bảo an toàn dịch bệnh một cách tuyệt đối.
Có thể nói, thành công lớn nhất mà Khu tham quan du lịch văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat đem lại đó là thức tỉnh một vùng quê nghèo, mở ra hướng phát triển mới cho vùng quê Kambute. Đây cũng là cơ hội để người dân lao động, nhất là bà con dân tộc thiểu số bản địa của các xã, vùng sâu, vùng xa của huyện Đơn Dương có thêm nhiều cơ hội việc làm ổn định, góp phần xây dựng Đơn Dương thành điểm sáng du lịch của Lâm Đồng.