Xu hướng du lịch nghỉ dưỡng
Du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) là hình thức du lịch nhằm mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Những sản phẩm phổ biến trên thế giới hiện nay gồm du lịch nghỉ dưỡng đi kèm tham gia các khóa tập thể dục dưỡng sinh, thiền, yoga, spa, tắm khoáng nóng phục hồi sức khỏe, cai thuốc lá, giảm cân... Nhiều quốc gia đang dẫn đầu xu hướng này qua các mô hình nổi tiếng như Nhật Bản phát triển spa nước khoáng nóng (onsen), Hàn Quốc với ngành công nghiệp chăm sóc da, thẩm mỹ hay Ấn Độ với thế mạnh về thiền, yoga...
Theo Viện Sức khỏe Toàn cầu (The Global Wellness Institute), giá trị ngành chăm sóc sức khỏe toàn cầu đạt 3.400 tỷ USD, gấp 3 lần doanh thu của ngành dược. Trong đó, wellness tourism đóng góp một phần quan trọng với doanh thu năm 2015 là 563 tỷ USD. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5% như hiện tại thì đến năm 2022, mô hình này sẽ đóng góp 18% tỷ trọng du lịch toàn cầu, với quy mô ước đạt hơn 919 tỷ USD.
Là một trong những quốc gia có thế mạnh về du lịch, Việt Nam không đứng ngoài làn sóng phát triển của du lịch gắn với sức khỏe. Theo ông Mauro Gasparrotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, tổ hợp nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe là một trong các mô hình bất động sản mới xuất hiện thời gian gần đây, nhưng đã nhanh chóng thu hút vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
"Với việc xây dựng và phát triển một rerost, chúng ta phải nhìn thấy bức tranh phát triển trong 10 năm tới, để tránh xây dựng xong thì nhu cầu của du khách đã thay đổi. Chúng ta phải nhìn nhận tầm quan trọng của wellness ngay từ thời điểm này để bắt kịp xu thế của thị trường", theo ông Mauro Gasparotti.
Điểm đến thị trường Phú Quốc
Sở hữu 150 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp cùng hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, nắng ấm quanh năm, Phú Quốc (Kiên Giang) đã nhanh chóng tạo lập vị trí riêng trên bản đồ du lịch không chỉ tại thị trường nội địa mà còn quốc tế. Theo số liệu của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong 11 tháng đầu năm nay, đảo ngọc đã đón hơn 4,7 triệu lượt khách, trong đó có 627.000 lượt khách quốc tế.
Những năm gần đây, bất động sản nghỉ dưỡng tại huyện đảo còn được thúc đẩy từ hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh các đường bay nội địa, cảng hàng không Phú Quốc đã có nhiều đường bay quốc tế đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Thái Lan, Malaysia và một số chuyến bay không thường xuyên đến từ Thụy Điển, Italy.... Ngoài ra, còn có các công trình đường bộ đáng chú ý như dự án nâng cấp đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu, dự án xây mới nhánh nối trục Bắc - Nam...
Những yếu tố này đã giúp Phú Quốc trở thành ứng viên sáng giá trong danh sách các đểm đến nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe lý tưởng tại Việt Nam. Mới đây, Công ty Phú Long và MJ Group - tập đoàn quốc tế có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng du lịch, đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển một dự án nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế ở đảo ngọc, với điểm nhấn là du lịch chăm sóc sức khỏe.
Theo công bố, dự án có quy mô hơn 200 ha, trải dài hơn 1,5 km bãi biển đẹp tại Phú Quốc, cung cấp những sản phẩm nghỉ dưỡng như biệt thự biển, khách sạn cao cấp, resort, phố mua sắm hàng hiệu.
Điểm nhấn của khu nghỉ dưỡng này là những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thanh lọc cơ thể, thông qua trung tâm kiểm tra sức khoẻ 4.0. Dự án còn có trung tâm thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp, khu đông y, vườn thiền, chuỗi nhà hàng thực dưỡng, trang trại hữu cơ. Du khách có thể lựa chọn tham gia các hoạt động trải nghiệm phong phú như công viên rừng nguyên sinh, thể thao dưỡng sinh, công viên nước thiên nhiên, câu lạc bộ thuyền buồm.
Ông David Kuo, Phó tổng giám đốc Phú Long chia sẻ, công ty đang thực hiện chiến lược phát triển, vận hành theo những chuẩn mực doanh nghiệp phát triển bền vững trên thế giới, hệ sinh thái đa dạng, giàu tiện ích.