Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, du lịch tăng trưởng sẽ tạo nguồn động lực chủ yếu gia tăng giá trị và kích thích đầu tư vào bất động sản du lịch ở những trung tâm du lịch lớn. Làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào bất động sản du lịch với hệ số sinh lời cao đang gia tăng nhanh chóng nguồn cung lưu trú du lịch. Năm 2011, cả nước mới có 256.000 buồng phòng, thì đến đầu năm 2019 đã đạt 550.000 buồng phòng, tốc độ tăng trưởng quy mô buồng bình quân 12%/năm.
Còn theo điều tra của Công ty tư vấn Grant Thornton, nhờ lượng khách du lịch tăng mạnh, nên các khu du lịch nghỉ dưỡng đạt hiệu quả kinh doanh cao. Giá phòng khách sạn bình quân đã tăng 1,6% từ năm 2017 đến năm 2018; trong đó, phân khúc khách sạn 5 sao tăng trưởng cao nhất, ở mức 4,1% và đạt 112USD/đêm vào năm ngoái. Công suất phòng của khối khách sạn 4 sao đạt mức 72,1% và khối 5 sao kinh doanh tốt hơn với tỷ lệ lấp đầy 75,6% trong năm 2018.
“Nhìn vào công suất buồng và mức giá trung bình đối với phân khúc như trên, đầu tư vào 1 m2 bất động sản du lịch mang lại giá trị vượt trội hơn hẳn các loại hình bất động sản khác”, ông Hà Văn Siêu cho biết.
Bên cạnh mô hình khách sạn và khu nghỉ dưỡng truyền thống, thị trường cũng xuất hiện nhiều loại hình bất động sản du lịch mới như căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại du lịch hay khu phức hợp du lịch giải trí. Điều này khẳng định rõ sự tăng trưởng khách du lịch tạo sức hấp dẫn cho kênh đầu tư vào bất động sản du lịch và chính yếu tố hấp dẫn du lịch là cội nguồn gia tăng giá trị cho bất động sản tại điểm du lịch.
Còn ông Mauro Gasparrotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương nhận xét, từ một điểm đến mang tính trải nghiệm với ít sự lựa chọn về lưu trú và giải trí, thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam đang chuyển mình trở thành một điểm đến nghỉ dưỡng hấp dẫn và có khả năng thu hút khách du lịch quay trở lại. Nhờ đó, bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam luôn được xem là phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng với các đường bay quốc tế mới, chính sách khích lệ từ chính phủ và sự đóng góp của các nhà đầu tư tư nhân đã góp phần tạo đà cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Theo đánh giá của Savills Hotels, thị trường hiện vẫn còn nhiều dư địa để phát triển những mô hình bất động sản nghỉ dưỡng mới hơn. Việt Nam vẫn thiếu sự đa dạng của các sản phẩm so với các điểm đến khác như Thái Lan hay Indonesia. Trong đó, tổ hợp nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ, khu dân cư hưu trí, khu nghỉ dưỡng mang phong cách nghệ thuật, khách sạn công nghệ cao và khách sạn dịch vụ chọn lọc là những ví dụ điển hình về các mô hình phát triển mới tuy đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu nhưng hiện vẫn chưa xuất hiện nhiều tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, ngành Du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khoẻ còn được gọi là Wellness tourism được đánh giá là có nhiều tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, với quy mô theo đánh giá của Global Wellness Institute có thể mang lại doanh số gần 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Wellness tourism vẫn chưa được khai thác và phần lớn các dự án bất động sản du lịch hiện nay mới tập trung vào yếu tố nghỉ dưỡng và tham quan đơn thuần.
“Khoảng trống” này sẽ nhanh chóng được khoả lấp bằng một dự án quy mô lớn lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam tại điểm đến có nhiều trải nghiệm và phong cách thuộc đảo ngọc Phú Quốc – thiên đường nghỉ dưỡng mới của thế giới. Tại một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đang bắt tay cùng các nhà tư vấn danh tiếng quốc tế phát triển một thiên đường nghỉ dưỡng, giải trí và chăm sóc sức khoẻ với những giá trị đỉnh cao của dưỡng sinh, phục hồi sức khoẻ, tái tạo năng lượng, khơi nguồn sức sống mới của cả thể chất và tinh thần cho du khách.