Ông Âu Văn Tá, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết: Xã Đông Thọ hiện có trên 2.200 hộ dân. Kinh tế chủ yếu của người dân địa phương là sản xuất nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 80%), hạ tầng kinh tế còn hạn chế, đặc biệt là tuyến đường giao thông chưa hoàn thiện, xuống cấp dẫn đến việc đi lại, giao thương hàng hóa… của người dân gặp nhiều khó khăn… Do đó, xã đã xác định để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới thì trước tiên phải nâng cấp, mở rộng được tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường bị xuống cấp, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân phát triển kinh tế. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã…
Năm 2017, huyện Sơn Dương có phương án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường ĐH 21 đoạn qua xã Đông Thọ, với chủ trương Nhà nước hỗ trợ nhân dân làm, không có kinh phí hỗ trợ đền bù. Thực hiện phương án trên, UBND xã Đông Thọ đã kêu gọi, vận động người dân hiến đất để mở rộng tuyến đường, đảm bảo mặt bằng rộng tối thiểu 8,2 mét gồm cả rãnh nước hai bên đường, nền đường rộng tối thiểu 6,5 mét. Qua tuyên truyền, vận động, gần 200 hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 17.000 mét vuông đất, tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc trên đất để mở rộng mặt đường.
Là một trong những hộ đi đầu của phong trào hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới tại xã Đông Thọ, gia đình bà Bùi Thị Tuyết, thôn Đông Trai chia sẻ: Trước đây, tuyến đường liên thôn nhỏ hẹp, xuống cấp, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội… gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân. Khổ nhất vẫn là các cháu học sinh hàng ngày đến lớp cứ lấm lem bùn đất vì bị ngã do đường xấu. Do đó, khi có chủ trương làm đường, được sự vận động của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã phá bỏ tường rào và hiến hơn 50 mét vuông đất của gia đình để làm đường. Nhiều năm sống trong cảnh đường xá đi lại khó khăn, nên khi có chủ trương nâng cấp đường người dân chúng tôi mừng lắm, ai cũng sẵn sàng đóng góp vì công việc chung của thôn, xã.
Ông Bùi Thế Túc, Trưởng thôn Đông Trai, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương cho biết: Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH 21, thôn Đông Trai có 45 hộ dân hiến gần 6.000 mét vuông đất để làm đường giao thông. Khi có chủ trương làm con đường này, chúng tôi đã tổ chức họp thôn để vận động, giải thích về lợi ích của việc làm đường và được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Vì vậy, quá trình đóng góp, giải phóng mặt bằng để làm đường ở thôn diễn ra rất thuận lợi…
Tuyến đường ĐH 21 chạy qua 5 thôn của xã Đông Thọ,với tổng chiều dài 4,3km trước đây xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão. Nhờ có sự chung tay đóng góp của người dân, sau hơn 1 năm triển khai đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2,8km, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Song song với việc thực hiện các tiêu chí về giao thông, xã Đông Thọ còn vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giới thiệu việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo trên địa bàn xã đi làm việc tại các công ty trong và ngoài nước…
Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Nhờ đó, hiện xã Đông Thọ đã đạt 11/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân từng bước được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 19,6 triệu đồng/người/năm, tăng 10,6 triệu đồng so với năm 2011…
Chia sẻ về phương hướng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ, Âu Văn Tá cho biết thêm: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất; xây dựng, nhân rộng mô hình hợp tác xã, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào đạo nghề cho lao động nông thôn theo các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp thông qua các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết với nông dân; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động ở địa bàn nông thôn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao thiết thực với người dân, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn thôn; xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự ở thôn xóm; tập trung giải quyết vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi… Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn “xanh- sạch- đẹp”…
Xã phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của người dân trên địa bàn xã đạt 19,8 triệu đồng – 22,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 100%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 100%; đạt từ 60 – 70% các tiêu chí nông thôn mới theo quy định của Trung ương…/.