Theo Sở Y tế Hà Nội, số người nhiễm HIV/AIDS của thành phố Hà Nội tính đến giữa năm 2018 có gần 20.000 người, đứng thứ 2 toàn quốc, chiếm khoảng 10% tổng số người nhiễm HIV/AIDS của cả nước. HIV – lao là 2 căn bệnh đồng hành nên số bệnh nhân lao ở Hà Nội cũng tăng.
Theo Trưởng khoa Nội tổng hợp- Bệnh viện Phổi Trung ương Nguyễn Hữu Trí, khi người nhiễm HIV nhiễm vi khuẩn lao tiềm ẩn, HIV gây suy giảm miễn dịch cơ thể tạo điều kiện dễ bùng phát bệnh lao. Đây là lý do khiến người nhiễm HIV dễ mắc bệnh lao gấp 30 lần so với người không nhiễm. Cũng chính vì vậy mà bệnh nhân lao nhiễm hiv có chiều hướng diễn biến nhanh hơn, nặng nề hơn, đặt ra nhiều vấn đề hơn trong chẩn đoán và điều trị.
Cùng với HIV/lao, bệnh lao kháng đa thuốc cũng đang là một trong những gánh nặng của bệnh lao hiện nay. Theo số liệu của Chương trình chống lao quốc gia, tỷ lệ kháng đa thuốc ở nhóm người bệnh lao mới là 2,7%, còn nhóm đã điều trị là 19%. Nếu như năm 2011, toàn thành phố Hà Nội chỉ có 28 trường hợp bệnh nhân mắc lao kháng thuốc, thì năm 2017, con số này là 186 ca.
Đáng lo ngại hơn, trong những năm qua, Hà Nội cũng đã ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc lao bị kháng đa thuốc. Tình trạng lao kháng đa thuốc được xác định chủ yếu do người bệnh điều trị không đúng cách, không đủ, không tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Thầy thuốc không đủ thời gian để tư vấn cho bệnh nhân và chưa hỗ trợ tích cực cho người bệnh. Lao đa kháng, siêu kháng thuốc có thể chữa khỏi nhưng việc điều trị rất khó khăn và đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh trong quá trình chọn lựa cũng như thực hiện nghiêm phác đồ điều trị.
Để phòng chống bệnh lao, chương trình chống lao của thành phố Hà Nội đã xây dựng mạng lưới chống lao rộng khắp từ tuyến thành phố đến các quận, huyện và xã, phường. Tại các quận, huyện có tổ chống lao và thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm đờm để phát hiện và quán lý người bị bệnh lao, còn tại tuyến xã, phường đều có các cán bộ chuyên trách lao. Thành phố Hà Nội có hai đơn vị đầu mối thực hiện chương trình chống lao gồm bệnh viện Phổi Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống lao và bệnh phổi Hà Đông.
Bác sỹ Lê Minh Hòa, trưởng khoa Nội 2 – Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, khoa Nội 2 là khoa điều trị cho bệnh nhân HIV/lao và lao kháng thuốc hiện đang điều trị nội trú cho 10 bệnh nhân nặng HIV/lao và có 1 phòng khám ngoại trú HIV đang quản lý trên 300 bệnh nhân HIV, bệnh nhân được khám và cấp thuốc ARV hàng ngày. Những bệnh nhân HIV/lao phần lớn tình trạng bệnh nặng. Giai đoạn bệnh nhân chưa được điều trị lao rất dễ lây cho người khác, do đó bệnh nhân cần được phát hiện sớm để điều trị tránh lây lan ra cộng đồng.
Đối với bệnh nhân lao kháng thuốc, Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện điều trị thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ điều trị ngắn hạn (từ 20 tháng trước đây xuống còn 9 tháng) trong điều trị người bệnh lao đa kháng thuốc. Bệnh viện Phổi Hà Nội đã áp dụng kỹ thuật cao GeneXpert để chẩn đoán lao, lao kháng thuốc. Đây là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc hay không với độ đặc hiệu chẩn đoán bệnh trên 95%.
Theo bác sĩ Phạm Hữu Thường – Giám đốc Bệnh viện phổi Hà Nội, Trước năm 2010, bệnh viện mới chỉ điều trị giảm được triệu chứng cấp cho bệnh nhân lao kháng thuốc, khi về nhà bệnh nhân vẫn mang vi khuẩn trong người dễ lây lan ra cộng đồng. Từ năm 2010 trở lại đây, chương trình chống lao quốc gia đã hỗ trợ kinh phí, triển khai thí điểm điều trị lao kháng thuốc cho bệnh nhân ở 5 tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội. Từ bệnh nhân đầu tiên tiếp nhận vào tháng 1/2011 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị đợt 1 cho 44 bệnh nhân siêu kháng thuốc và năm 2018 tiếp nhận điều trị đợt 2 cho 10 bệnh nhân nữa. Kết quả điều trị lao kháng thuốc khả quan, số bệnh nhân được điều trị tăng, hiệu quả điều trị cao, mang lại cơ hội khỏi bệnh để tái hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân. Bệnh nhân lao kháng thuốc đã có con đường, lối thoát giải quyết căn bệnh nguy hiểm này. Trong tương lai chương trình sẽ kiểm soát được lao kháng thuốc, giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong.
Xác định HIV – lao là 2 căn bệnh đồng hành, bệnh viện Phổi Hà Nội đã sớm triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc phối hợp chương trình chống lao với phòng chống HIV/AIDS. Hệ thống phòng chống HIV từ quận huyện, phường xã khi phát hiện bệnh nhân HIV có dấu hiệu lao chuyển sớm sang cơ sở phòng chống lao để được khám, tư vấn phát hiện sớm để điều trị phối hợp bằng thuôc lao và thuốc ARV, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, nhiều bệnh nhân HIV được điều trị tốt, khỏi lao nhiều. Trước năm 2000, tỷ lệ tử vong hiv/ lao cao nhưng sau khi phối hợp 2 chương trình lao và HIV trong chẩn đoán, điều trị dẫn đến số người tử vong giảm.
Ông Phạm Hữu Thường cho biết, để có thể thanh toán bệnh lao vào năm 2030 theo kế hoạch của chương trình chống lao quốc gia, chương trình chống lao thành phố Hà Nội bám sát vào các mục tiêu, thực hiện sự chỉ đạo của các cấp và tăng cường tập trung vào các hoạt động phát hiện như: Tăng cường phát hiện bằng cách phối hợp với các hệ thống y tế công và tư nhân trong công tác phòng chống lao, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chuẩn đoán mới như: GeneXpert, nuôi cấy nhanh, kinh hiển vi huỳnh quang đền LED... Khuyến khích người dân chụp X quang phổi phát hiện sớm bệnh lao, phát hiện chủ động bệnh lao ở các đối tượng, đặc biệt như người nhiễm HIV, khu vực trại giam, trung tâm 05-06; mở rộng quản lý lao kháng đa thuốc; tăng cường sàng lọc lao ở trẻ em bao gồm cả điều trị bệnh lao và điều trị dự phòng lao.