Cuốn sách Khái niệm kinh doanh số 4.0 đề cập tới một số mô hình kinh doanh mới, đặc biệt loại hình kinh doanh số. Chaffey & White (2010) nhấn mạnh: ‘Doanh nghiệp số tạo ra rất nhiều giá trị vì họ ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, đa dạng hóa dịch vụ giá trị gia tăng và tích hợp được nhiều quy trình trong toàn chuỗi giá trị”.
Cùng với sự hoạt động của doanh nghiệp là công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt quản trị kho tri thức của nhân loại được chia sẻ không giới hạn trên môi trường Internet. Cuốn sách quý vị đang đọc chia sẻ một số khái niệm liên quan đến Quản trị tri thức (knowledge management) – một yếu tố quan trọng trong kinh doanh số bởi vì nếu muốn gặt hái thành công, kinh doanh số phải dựa rất nhiều vào tri thức, kiến thức và kỹ năng của nhân viên trong doanh nghiệp, bao gồm giao tiếp, xử lý với khách hàng, nhà cung cấp, trung gian, đối thủ cạnh tranh và ngay cả quy trình vận hành nội bộ.
Saunders (2000) nhận định: ‘Mỗi ngày, doanh nghiệp sẽ mất đi một lượng tri thức nhất định: khi nhân viên bỏ đi, khách hàng xuất hiện rồi cũng rời đi, tri thức cũng đi theo họ. Điều này khiến doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí, thời gian và mất đi khách hàng’.
Thông tin số, tri thức số, ngân hàng số, thanh toán số....là những từ rất quen thuộc với bạn đọc trong thời gian qua, đặc biệt khi cuộc cách mạng số đang ngày một trở nên hiện hữu. Kinh doanh số là một khái niệm rộng hơn thương mại điện tử và nó giống hoàn toàn với kinh doanh điện tử (do IBM khởi xướng, 1997) được diễn giải như sau: “Kinh doanh điện tử - một sự thay đổi trong quy trình cốt lõi kinh doanh thông qua trung gian là công nghệ Internet.”
Nhân dịp kỷ niệm hơn hai thập kỷ ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet (19/11/1997), tác giả tổng hợp, biên soạn và trân trọng gửi đến đọc giả cuốn sách Khái niệm kinh doanh số 4.0.