Tăng cường hướng dẫn an toàn điện đến mọi người
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, ngăn ngừa và phòng tránh tai nạn về điện có thể xảy ra khi trời mưa lớn, ngập úng cục bộ hoặc giông lốc, gió lớn, cây cối ngã đổ… EVNHCMC thường xuyên phổ biến, tuyên truyền đến khách hàng sử dụng điện và người dân những nội dung cơ bản nhất về sử dụng điện an toàn trong mùa mưa.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc – Người phát ngôn của Tổng công ty Điện lực TP HCM, ngành điện khuyến cáo người dân trong lúc trời mưa không đứng trú ở tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp. Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế (đồng hồ điện), thùng cầu dao… Không lên sân thượng, mái nhà nơi có đường dây điện băng qua. Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời. ...
Trong nhà, người dân nên ngắt nguồn điện (tắt cầu dao, CB) nếu khu vực trong nhà bị ngập nước hoặc bị mưa làm ướt sàn (tạt, dột), ướt ổ cắm điện và ướt thiết bị điện có thể sẽ dẫn đến nguy cơ chạm chập điện cục bộ, có khả năng gây điện giật hoặc gây cháy nhất là các dụng cụ điện cầm tay như: máy sấy tóc, máy hút bụi... Nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp (ELCB). Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn.
Đặc biệt cần tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã (đổ), dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ...
Khi phát hiện có hiện tượng bất thường hoặc mất an toàn về điện, EVNHCMC sẽ tiếp nhận thông tin của người dân báo thông qua đường dây nóng 1900 545454 - Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực TP HCM hoặc số điện thoại 114 - Cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ TPHCM để được xử lý ngăn ngừa, khắc phục kịp thời.
Chủ động các giải pháp phối hợp
Trong mùa mưa, thường xảy ra hiện tượng ngập nước, sạt lở bờ sông, kênh, rạch… Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra, Tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, sửa chữa lưới điện các khu vực có nguy cơ sạt lở, gia cố, nhằm đảm bảo an toàn các công trình điện; tiến hành khẩn cấp di dời các công trình điện ra khỏi khu vực sạt lở. Phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố, quận, huyện kiểm tra đảm bảo an toàn hệ thống điện, không để xảy ra hiện tượng rò điện gây mất an toàn cho cộng đồng; sau khi khắc phục, sửa chữa và đảm bảo chắc chắn an toàn của hệ thống điện thì phải khôi phục lại ngay việc cung cấp điện cho khu vực để nhân dân ổn định sinh hoạt và sản xuất.
Theo ông Bùi Trung Kiên, nhận thức được trách nhiệm của mình, EVNHCMC chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn TP những kiến thức cũng như đưa ra các khuyến cáo an toàn điện trong mùa mưa bão với nhiều hình thức như: Thực hiện việc tuyên truyền, cảnh báo các đơn vị tổ chức vui chơi, giải trí không thực hiện việc bắn pháo hoa, pháo giấy có kim tuyến, vật bay… tại các khu vực gần đường dây trạm điện đề phòng sự cố, tai nạn điện. Tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo trong nhân dân không sinh hoạt, buôn bán… gần hoặc bên dưới đường dây, trạm điện, tủ điện. Phối hợp chính quyền địa phương giải tỏa các trường hợp xâm phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Phối hợp với Đơn vị quản lý cây xanh (Khu quản lý giao thông, Công ty Công viên Cây xanh, chủ sở hữu) để có giải pháp xử lý kịp thời các cành, nhánh, cây xanh có thể ảnh hưởng đến hành lang an toàn hoặc có thể gây sự cố lưới điện khi gãy, ngã đổ, va quẹt. Tăng cường công tác kiểm tra lưới điện nhằm phát hiện kịp thời và kiên quyết không để phát sinh mới các điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp mà không xử lý được.
Ngành điện cũng tổ chức lực lượng ứng trực, chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, vật tư dự phòng. Tổng công ty đã yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị quán triệt không để xảy ra tư tưởng chủ quan, lơ là đối với công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai; phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “3 sẵn sàng” trong việc chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra, sự cố bất ngờ.