Bên cạnh các giải pháp cụ thể, EVNHCMC cũng kêu gọi các nhóm đối tượng khách hàng đồng hành cùng ngành điện triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện sao cho việc tiết kiện điện trở thành thói quen chứ không phải giải pháp tình thế.
Năm 2023, sản lượng tiết kiệm điện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 627,56 triệu kWh, chiếm 2,20% sản lượng điện thương phẩm toàn Thành phố, cao hơn 0,21% so với chỉ tiêu EVN giao là 2%.
Một trong những yếu tổ nổi bật để đạt kết quả tốt trong công tác tiết kiệm điện trên địa bàn, theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC đó là tác dụng từ công tác truyền thông. Trong đó, EVNHCMC đã đẩy mạnh thực hiện truyền thông tiết kiệm điện tới từng phường, xã, khu phố, tổ dân phố được EVNHCMC và các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nhờ đó ý thức sử dụng tiết kiệm điện của người dân được nâng cao; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã chung sức trong triển khai thực hiện. Đồng thời, EVNHCMC cũng đã sử dụng dữ liệu đo xa hàng ngày để giám sát việc thực hiện của từng khách hàng; tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày; đi kiểm tra hàng đêm, tập trung vào nhóm chiếu sáng quảng cáo để yêu cầu tắt đèn sau 22 giờ.
Phát huy những kết quả đạt được, theo ông Bùi Trung Kiên, năm 2024, EVNHCMC đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc năm 2024 đẩy mạnh hơn nữa công tác tiết kiệm điện bằng các giải pháp rất cụ thể. Trong đó, các công ty điện lực tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ gia đình hưởng ứng và đăng ký tham gia phong trào “Gia đình xanh” bằng hình thức điện tử thông qua các trang tin địa phương; nhóm zalo tổ dân phố, khu dân cư, chung cư; Fanpage Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh; web https://cskh.evnhcmc.vn/; Ứng dụng EVNHCMC CSKH. EVNHCMC; đồng thời yêu cầu các công ty điện lực cũng hỗ trợ, phối hợp địa phương trong công tác cải tạo, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng dân lập; chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm tại các trường học.
Đặc biệt, Trung tâm Chăm sóc khách hàng và các đơn vị có nhiệm vụ truyền thông liên tục về phong trào “Gia đình xanh” trên Fanpage EVNHCMC; web https://cskh.evnhcmc.vn/; Ứng dụng EVNHCMC CSKH; phối hợp tổ chức gameshow “Học sinh chung tay sử dụng điện an toàn, tiết kiệm”…
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Theo kế hoạch, UBND TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đưa chương trình tiết kiệm điện thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đồng thời nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sử dụng điện tiết kiệm trong mọi hoạt động của xã hội, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trong đó, giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, TP Hồ Chí Minh phấn đấu hàng năm tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 3,5% vào năm 2025.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh được giao phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, áp dụng chế tài xử phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng năng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và sử dụng điện tiết kiệm nói riêng. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, đơn vị liên quan đưa nội dung tiết kiệm điện thành tiêu chí xét thi đua - khen thưởng hàng năm./.
TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu cụ thể trong Kế hoạch tiết kiệm điện:
- Trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, TP Hồ Chí Minh phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.
- Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 3,5% vào năm 2025.
- Giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện tại TP Hồ Chí Minh, góp phần vào mục tiêu của cả nước là giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia ít nhất 1.500 MW vào năm 2025, thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện.
- Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
- Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.