Tác động của các dòng sông
Do vị trí địa lý chi phối, thành phố Tam Kỳ cũng như tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả dải duyên hải miền Trung nói chung, hằng năm phải gánh chịu nhiều trận lũ lụt. Vì vậy, hết thế hệ này đến thế hệ khác, người dân đã đấu tranh và không ngừng tìm phương kế khắc phục thiệt hại do thiên nhiên gây ra để phục vụ nhu cầu định cư, tồn tại và phát triển. Đối với thành phố Tam Kỳ, trong quá trình phát triển, quá trình đô thị hoá, nhiều công trình phục vụ đời sống, dân sinh được xây dựng đã tác động cả hai mặt lợi và hại vào hiện tượng tự nhiên này. Đi tìm giải pháp chống ngập lụt cho thành phố Tam Kỳ sẽ cung cấp cái nhìn khách quan, tiệm cận đến bản chất của hiện tượng vốn có của tự nhiên và sự tác động của con người, hệ quả do sự tác động của con người ảnh hưởng trực tiếp tình hình ngập lụt trên địa bàn thành phố Tam Kỳ hiện nay.
Thành phố Tam Kỳ có 3 con sông chảy ngang qua, đó là sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ và sông Trường Giang. Đây là 3 nguồn nước nuôi sống người Tam Kỳ đồng thời cũng là 3 nguồn nước chính gây ra lũ lụt trên vùng đất này.Sông Bàn Thạch có lưu vực phần lớn ở các xã thuộc phía Tây huyện Thăng Bình và huyện Phú Ninh, nước gom lại chảy vào đầu nguồn thông qua các suối lớn đổ vào sông. Từ Bắc vào Nam, dọc Quốc lộ I trên địa bàn Thăng Bình có các con suối chắn ngang với cầu: Gò Phật, Kế Xuyên, Bình Lứt, Cánh Tiên. Trên địa bàn huyện Phú Ninh có cầu Bà Dụ, Ông Hiền, Cống Trang.
Trên nội ô Tam Kỳ có cầu Khổng Miếu, cầu ngã ba Nam Ngãi ngang qua đường Phan Bội Châu và Phan Châu trinh đổ trực tiếp vào Sông Bàn Thạch. Khi vào thành phố Tam Kỳ, sông Bàn Thạch có hướng chảy từ Bắc vào Nam, qua các phường Tân Thạnh, Phước Hoà, An Phú, Hoà Hương. Dọc theo hai bên bờ sông Bàn Thạch có các cánh đồng rộng khoảng một vài Km ôm các dòng suối, dòng sông từ thượng nguồn chạy xuyên suốt từ các xã, Bình Tú, Bình Trung, Bình An (huyện Thăng Bình), Tam An (huyện Phú Ninh), phường Tân Thạnh, xã Tam Thăng, phường An Phú, Phước Hoà, Hoà Hương (Thành phố Tam Kỳ). Đến mùa lũ nước sông tràn lên các cánh đồng, mặt sông trải rộng, thoát lũ nhanh về hạ lưu hoà với sông Tam Kỳ, nhập sông Trường Giang đổ ra biển tại cửa Lở và cửa An Hoà huyện Núi Thành.
Sông Tam Kỳ có lưu vực thuộc các xã Tam Trà, Tam Sơn, các sườn núi phía tây Tam Thạnh, một vài vùng thấp Trà My, xã Tam Lãnh, Tam Dân, Tam Xuân, Tam Ngọc, lưu lượng lớn hơn, dòng chảy mạnh đổ từ phía núi xuống đồng bằng với độ dốc cao. Dọc hai bên bờ sông là núi hoặc những thung lũng có độ cao hơn lòng sông, dòng chảy hẹp, mùa lũ dồn nước vào lòng sông chảy nhanh về phía thành phố Tam Kỳ. Hiện nay lưu vực này được tích trữ tại Hồ Phú Ninh.
Sông Trường Giang chạy gần như song song với bờ biển, chảy từ An Hoà – Cửa Lở ra tới Bàn Thạch, Duy Xuyên. Trường Giang là con sông đặc biệt, nối dòng nước của hai hệ thống sông Thu Bồn – Vu Gia ở phía Bắc với hệ thống sông An Tân - ở phía Nam. Sông Trường Giang không bắt nguồn từ Trường Sơn mà lấy nước từ hạ lưu của hai hệ thống Vu Gia – Thu bồn ở phía Bắc và hệ thống sông An Tân - ở phía Nam, rồi lại hoà cùng nước 2 hệ thống sông ấy đổ ra biển ở cửa Đại phía Bắc và cửa Lở, cửa An Hoà phía Nam. Sông Trường Giang hiền hoà, tốc độ dòng nước chậm, hướng chảy phụ thuộc vào thuỷ triều của biển, khi thuỷ triều lên nước biển dâng từ hai cửa ở 2 đầu Bắc, Nam. Vì thế hai phía Bắc và Nam của con sông có hướng dòng chảy ngược nhau; khi thuỷ triều rút hướng của dòng chảy cũng chảy ngược nhau. Trường Giang là con sông lạ chỉ có ở Quảng Nam làm thông thương hầu hết các nguồn nước từ phía Nam đến phía Bắc tỉnh Quảng Nam. Do đó mọi tác động vào các dòng chảy trên địa bàn Quảng Nam đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến Trường Giang.
Địa hình- nguyên nhân tự nhiên gây ngập lụt đô thị Tam Kỳ
Địa bàn thành phố Tam Kỳ chịu tác động của các dòng sông Bàn Thạch chảy dọc phía Đông và sông Tam Kỳ chảy dọc phía Nam, đến mùa lũ nước ở hai dòng sông này dâng lên gây ngập lụt ở các vùng gần sông. Địa hình nội thị Tam Kỳ có độ nghiêng nhẹ từ Tây sang Đông nghĩa là từ đường sắt đổ xuống bờ sông Bàn Thạch. Do địa hình như vậy nên nước ở 2 dòng sông này trong vòng 60 năm nay chưa bao giờ dâng lên ngập tới các vùng phía trên cách đường Phan Châu Trinh độ 100 mét, trừ những vùng quá trũng.
Bản đồ ngập lụt đô thị Tam Kỳ có thể chia là 4 khu vực.
Khu vực I: Phía trên đường sắt Bắc - Nam: Gồm các xã Tam Ngọc, phường Trường Xuân, Hoà Thuận vùng này thường ổn định có địa hình tự nhiên cao, không chịu tác động của lũ lụt, hầu hết khu vực này đổ vào khu vực nội thị, qua các cống thoát.
Khu vực II: Đó là khu vực nội thị Tam Kỳ, hiện nay tình trạng ngập lụt là đáng báo động nhất với tầng suất dày và khả năng ngập lụt ngày càng trầm trọng, gồm các phường Tân Thạnh, An Mỹ, An Xuân, An Sơn, Hoà Hương, phước Hoà và một phần Hoà Thuận.
Khu vực III: Là khu vực giữa Sông Bàn Thạch – Trường Giang gồm các xã Tam Thăng, Tam Phú, phường An Phú. Khu vực này quá trình đô thị hoá còn thấp, do đó chưa tác động lớn đến ngập lụt chủ yếu thoát tự nhiên về hồ Sông Đầm và ra Sông trường Giang, sông Bàn Thạch.
Khu vực IV: thuộc xã biển Tam Thanh: khu vực này không chịu tác động của ngập lụt chủ yếu là thoát tự nhiên về biển và sông Trường Giang.
Những dòng sông, đặc biệt là sông Trường Giang và địa hình có độ nghiêng nhẹ từ Tây sang Đông cộng với các hình thái tự nhiên đã gây ra những trận lụt lịch sử trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Trong đó trận lũ kinh hoàng nhất diễn ra vào ngày 23 tháp Chạp năm Giáp Thìn (tháng 11/1964) là trận lụt lớn nhất trong vòng 100 năm qua khiến toàn bộ thành phố Tam Kỳ ngập chìm trong nước.
Sau trận lụt lịch sử này, nhiều công trình cắt lũ đã được xây dựng, trong đó hồ đập thủy lợi Phú Ninh hoàn thành (1986) là tiêu biểu nhất. Tuy vậy, hằng năm khi lượng mưa lớn, Hồ Phú Ninh xả nước cộng triều cường và mưa lớn, lưu vực Tam Kỳ vẫn thường ngập lụt ở các khu vực ven sông như: Làng Hương Trà (Phường Hoà Hương), Tân Phú (xã Tam Phú), Phú Ân (Phường An Phú), Đoan Trai (Phường Tân Thạnh,), Chợ Tam Kỳ (phường Phước Hoà); nhưng mức độ ngập lụt không lớn, thời gian ngắn.
Tiếp đến, năm 1999 cũng có trận lụt lớn được gọi là “Đại Hồng Thuỷ”. Toàn bộ thành phố Tam Kỳ điều ngập trong biển nước, sau đó là các năm: 2018, 2020, 2021, Tam Kỳ cũng bị ngập lụt với tầng suất lớn hơn và thời gian ngập lâu hơn. Những vùng lâu nay ít bị ngập lụt thì hiện nay đã bị ngập lụt sâu, như vùng Tam Thăng, Tân Thạnh, nội đô thành phố. Ngập lụt cục bộ, ngập lụt do nước dâng của các con sông để lại hậu quả khá nặng nề, tác động nhiều mặt của đời sống, nhiều vùng bị sạt lở nghiêm trọng như (Xuân Quý, Tam Thăng), khu vực Sông Tam Kỳ từ xã Tam Ngọc về phường An Sơn.
“Bắt bệnh” ngập úng đô thị Tam Kỳ
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên mưa lớn bất thường hay xãy ra thường xuyên và chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang. Khi mực nước sông Bàn Thạch dâng khoảng 2,5m, hệ thống thoát nước thành phố không thoát được ra sông Bàn Thạch tại các cửa thoát trên tuyến đê Bàn Thạch, đường Bạch Đằng. Vì vậy, sẽ gây ngập úng tại các vị trí trũng thấp trên toàn đô thị.
Mặt khác, lượng mưa ở các khu vực Thăng Bình và Phú Ninh đổ về các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, với lưu lượng rất lớn, dòng chảy xiết. Từ khu vực trung tâm thành phố, nước sông Bàn Thạch, đổ về sông Kỳ Phú, chảy về sông Tam Kỳ đến cửa An Hòa (huyện Núi Thành) với chiều dài khoảng 25km và gần như không có độ dốc, dòng chảy bị thắt cổ chai qua các cây cầu nên thoát rất chậm.
Việc vận hành điều tiết lũ hồ Phú Ninh cũng là vấn đề được bàn đến. Thực tế cho thấy, do ưu tiên cho tích nước, nhưng khi nước tích đã đủ, gặp mưa lớn ở nội thị kết hợp thuỷ triều cùng với xả hồ Phú Ninh thì nội đô Tam Kỳ cũng bị ngập.
Địa hình thành phố Tam Kỳ có độ nghiêng nhẹ từ Tây sang Đông và chịu tác động của các công trình giao thông, nhất giao thông cắt ngang như: Đường Cao tốc, Đà Nẵng- Quảng Ngãi, Đường sắt Bắc Nam, Đường Nguyễn Hoàng, đê Sông Bàn Thạch, Đường Võ Chí Công. Hạ tầng giao thông dọc gồm: Đường nối Quốc lội IA về Khu công nghiệp Tam Thăng, đường Điện Biên Phủ, đường Quốc lộ 40, như những tuyến đê che chắn dòng chảy. Do đó việc thoát lũ từ Tây sang Đông, Bắc vào Nam của đô thị Tam Kỳ bị chia cắt rất lớn nên hạn chế về dòng chảy, gây ngập lụt.
Tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ xây dựng công trình cao dẫn đến giảm mạnh khả năng thấm tự nhiên và chiếm diện tích chứa nước. Khu công nghiệp Tam Thăng (300ha), Các khu dân cư, khu đô thị đều nâng cos nền và sang lấp mặt bằng: Khu dân cư Tây Bắc (78ha), Khu dân cư ADB, Trường Đồng (50ha), Khu dân cư phố chợ Chiên Đàn, Phố mới Tân Thạnh, Tây An Hà Quảng Phú, Đô thị An Phú và nhiều khu dân cư được triển khai từ năm 1997 đến nay.
Các Dự án triển khai thiếu đồng bộ, không khớp nối hạ tầng. Nhiều khu dân cư được đầu tư trong giai đoạn từ 1997, hạ tầng xuống cấp, lưu lượng thoát nước không được tính toán cụ thể, để lại những vùng trũng trong khu đô thị chưa nâng cấp chỉnh trang hoàn thiện cũng là lý do ngập cục bộ nhiều nơi. Sự thiếu sự đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến tình trạng hình thành các vùng trũng thấp cục bộ, đặc biệt là các khu vực đô thị hiện hữu so với các tuyến đường mới được nâng cấp, hay các đô thị mới hình thành. Khu vực đầu tư sau cao hơn đầu tư trước.
Công tác dự báo chưa lường hết được được biến đổi khí hậu, nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải. Chưa có quy hoạch thoát nước cho đô thị Tam Kỳ một cách bài bản, khoa học và thực tiễn.
Giải pháp chống ngập lụt thành phố Tam Kỳ - căn cơ và thực tiễn
Chống ngập cho thành phố Tam Kỳ, cần có cái nhìn khách quan, đánh giá khoa học có luận cứ, đề ra giải pháp giải quyết cơ bản. Trước hết phải rà soát Quy hoạch chung Tam Kỳ nhất là hệ thống thoát nước một cách khoa học và quản lý chặt chẽ quy hoạch. Xây dựng bản đồ ngập lụt cho toàn thành phố, tránh tình trạng đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ, ngập đâu nâng đó dẫn đến chuyển ngập nơi này sang nơi khác. Không tổ chức kè cứng mà tổ chức kè mềm, dành quỹ đất lớn để tổ chức không gian thoát lũ cho các dòng sông Bàn Thạch, Trường Giang, Tam Kỳ.
Đối với các dự án đầu tư hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, phải đánh giá kỹ tác động môi trường (đối với dự án lớn phải đánh giá môi trường chiến lược), kể cả việc tác động xã hội. Cần phải đánh giá lại một số dự án đã đầu tư mà thật sự có tác động lớn đến việc thoát nước cho đô thị Tam Kỳ như: Đường trục chính từ khu công nghiệp Tam Thăng, Đường Võ Chí Công, Đường Điện Biên Phủ, Tuyến Cây Cốc về đường 129, các quỹ đất thương mại dịch vụ dọc quốc lộ IA, Khu phố chợ Chiên Đàn, (huyên Phú Ninh), các Khu dân cư tại xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hiệp (huyện Núi Thành).
Có giải pháp nạo vét, khơi thông dòng chảy các sông: Trường Giang, Tam Kỳ, Kỳ Phú, Bàn Thạch để tăng khả năng thoát lũ ra cửa Lở, cửa An Hoà. Nghiên cứu giải pháp chuyển dòng chảy từ lưu vực Thăng Bình đổ về Sông Trường Giang nhằm giảm thiểu lượng nước lớn đổ về Tam Kỳ như hiện nay.
Bên cạnh những giải phát trên, để có lời giải căn cơ cho bài toán chống ngập lụt thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nên xem xét đề xuất dự án: “ Nâng cao năng lực thoát nước lũ cho thành phố Tam Kỳ” từ nguồn vốn ODA, trong đó có các dự án thành phần đó là: Nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nội thị. Hồ điều tiết và kênh chỉnh dòng thoát nước phía Tây về Sông Tam Kỳ nhằm chuyển dòng lưu vực trường Xuân – Tam Ngọc không đổ về khu vực nội thị. Cải thiện năng lực thoát lũ từ hồ Sông Đầm ra sông Trường Giang. Thực hiện Kè và đường ven sông Tam Kỳ đã bị sạt lở do xả lũ. Đầu tư một số hệ thống thoát nước dọc có khẩu độ lớn cho khu vực đô thị hiện hữu đổ về sông Bàn Thạch như tuyến dọc: Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lợi, Trưng Nữ Vương và các tuyến ngang: Hùng Vương, Phan Chu Trinh.
Tiếp tục đầu tư khớp nối thoát nước nội thị và nâng cấp mở rộng khẩu độ thoát nước khu vực nội thị: Xây dựng danh mục nâng cấp hạ tầng đô thị, hệ thống thoát nước nội thị cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Việc đánh giá hiện trạng đi tìm nguyên nhân và đề xuất giải pháp ngập lụt cho đô thị Tam Kỳ là bước đi phù hợp, cẩn trọng và có luận cứ khoa học cũng như thực tiễn hướng đến xây dựng Thành phố Tam Kỳ phát triển bền vững, thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu./.