Cần 'khơi thông', 'nối chuyến' đường bay nội địa và quốc tế

Đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã và đang bước vào giai đoạn phục hồi đồng loạt trên tất cả các lĩnh vực. Thế nên, cần lắm đường bay nội địa và quốc tế được “khơi thông”, “nối chuyến” nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách ngày càng gia tăng.

Cao điểm hè gần kề, nhiều hành khách bày tỏ sự lo lắng với tình trạng chậm trễ và hủy chuyến liên tục, thời gian chờ đợi kéo dài hàng giờ đồng hồ ở sân bay. Đây là vấn đề thời sự nóng hổi mấy ngày qua diễn ra tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Chú thích ảnh
Nỗi ám ảnh, đợi chờ la liệt tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nơi ùn ứ, chật kín người

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng quá tải, liên tục xảy ra chậm chuyến, ùn tắc hành khách “uể oải” trong đợi chờ nhiều giờ đồng hồ mà vẫn chưa được lên máy bay. Tình trạng “delay” kéo dài, thậm chí có thể bị hủy này xuất phát từ lỗi kỹ thuật, máy chủ bị hỏng, dây chuyền, thời tiết xấu…Để hỗ trợ hành khách, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất đã chỉ đạo tăng cường 100% an ninh, hỗ trợ soi chiếu, cung cấp mạng local check-in cho hãng bay phục vụ hành khách làm thủ tục, ký gửi hành lý, cất cánh, giảm thời gian chậm kéo dài.

Chú thích ảnh
Khách xếp hàng dài chờ tại quầy check - in.

Mặt khác, áp lực rất lớn bởi hầu hết hành khách khu vực ĐBSCL, Nam Bộ đều đổ xô về Sân bay này bởi vì các đường bay có tần suất khai thác tối đa từ nội địa đến quốc tế. Dù vậy nhưng hiện tượng “cháy vé” vẫn xảy ra do lượng khách tăng cao kỷ lục trong thời gian qua, trong khi sân bay địa phương thì không đáp ứng được nhu cầu đi lại gia tăng khi chỉ có vài đường bay nội địa được đưa vào khai thác. Đơn cử như Cảng HKQT Cần Thơ quy mô rất lớn nhưng lượng khách thấp hơn nhiều so với sân bay Cát Bi ở Hải Phòng, Vinh ở Nghệ An, Liên Khương của Lâm Đồng và không thể so sánh với các sân bay ở những điểm du lịch như Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc.

Có thể nhận thấy chưa khai thác hết công suất chỉ chú trọng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong nước, phát huy vai trò tiềm lực hàng không quốc tế lại càng nhiêu khê gấp bội phần. Đối với hoạt động quốc tế, Cảng HKQT Cần Thơ chỉ vẻn vẹn 2 đường bay duy nhất là Đài Bắc – Cần Thơ; Bangkok – Cần Thơ.

Nơi thiếu đường bay quốc tế

Theo UBND TP. Cần Thơ, cảng HKQT Cần Thơ được khánh thành đầu năm 2011, năng lực phục vụ theo thiết kế từ 3-5 triệu lượt hành khách/năm. Lúc bấy giờ đây là sân bay quốc tế lớn thứ tư của cả nước sau TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, có vị trí chiến lược tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng cho Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

Vốn đầu tư hơn 3000 tỷ đồng, riêng nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn 20.750m2, đường hạ cất cánh dài 3000m, được thiết kế như chiếc xuồng ba lá mang đậm nét phong vị sống của người dân miền sông nước Nam Bộ. Lắp đặt hệ thống đèn đêm, hệ thống hạ cánh chính xác ILS để tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như B777-300ER, B747-400 và tương đương, nối Cần Thơ với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Được trang bị đủ chuẩn “Sân bay quốc tế”, nhưng thời gian qua sân bay Cần Thơ chỉ hoạt động đạt khoảng 10% công suất thiết kế. Các đường bay quốc tế đi và đến Cần Thơ khiêm tốn nên người dân miền Tây phải vượt mấy trăm cây số lên tận Sài Thành mới có tuyến quốc tế.

Chú thích ảnh
Vẫn vắng bóng khách.

Lo đường bay Cần Thơ vắng khách, Bộ Giao thông đã kịp thời đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thị trường để mở các đường bay “quốc tế/nội địa mới” đi/đến Cảng HKQT Cần Thơ. Thực hiện có hiệu quả kết nối hàng không - du lịch vùng ĐBSCL theo Đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 105/QĐ-TTg.

Theo đó, áp dụng mức giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định đối với toàn bộ các chuyến bay quốc tế, nội địa đi/đến Cần Thơ (thường lệ, không thường lệ) đến hết năm 2025 bằng 30% khung giá và từ 2026 - hết 2030 bằng 70% khung giá. Khuyến khích các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục có “chính sách ưu đãi giá” trên các đường bay khai thác đi/đến Cần Thơ. Xem xét ưu tiên xác nhận giờ hạ cất cánh (slot) cho các chuyến bay đi/đến Cảng HKQT Cần Thơ theo đúng quy định.

Chủ động làm việc trực tiếp với các hãng hàng không quốc tế để giới thiệu, định hướng các hãng “mở rộng mạng lưới đường bay” đến Việt Nam, trong đó có điểm đến là Cần Thơ. Đảm bảo “khai thác 24/7” sẽ giúp cho sân bay này có thể tiếp nhận các chuyến bay quốc tế trong các khung giờ tối. Nghiên cứu xây dựng Đề án tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trong tháng 6/2022.

Chú thích ảnh
Cần tăng cường khai thác các chuyến bay đi/đến Thủ phủ miền Tây.

Tới đây, người dân ĐBSCL rất hy vọng Cảng HKQT Cần Thơ đi vào khai thác có hiệu quả hơn, “rộng đường bay” đa dạng sự lựa chọn cho hành khách. Nâng tầm chất lượng dịch vụ theo hướng sang trọng, đẳng cấp mang đến sự hài lòng giúp khách tiết kiệm thời gian và chủ động hơn trong chuyến đi. Như vậy sẽ góp phần giải tỏa áp lực đối với các sân bay lân cận, vừa tránh việc đầu tư bị lãng phí, vừa làm tròn vai “sân bay quốc tế” sải cánh vươn cao.

 

Lan Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN