Agribank tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hóa

Cùng với sự phát triển kinh tế, thu nhập bình quân tăng, mức sống đang dần được cải thiện, Việt Nam lại là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi đi làm, thu nhập ổn định, rất tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa (TDNĐ). Do vậy, tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình là xu thế tất yếu.

Nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 để da dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có dich vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.

Chú thích ảnh

Theo số liệu của NHNN, tính đến 31/12/2021, có 12/46 TCPHT phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019); số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.  Có thể thấy, thời gian qua, các TCPHT đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ nội địa là một điểm sáng. Nỗ lực này của TCPHT nhằm đẩy mạnh TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ  (ĐVCNT), chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Ông Tô Đình Tơn- Phó Torng Giám đốc Agribank phát biểu tại hội thảo

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho rằng nếu khách hàng đã sử dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn không bao giờ quay trở lại dùng tiền mặt. Nhưng để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó.  Theo Phó Thống đốc NHNN,  để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen gắn với phát triển thẻ tín dụng nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng, qua các ý kiến vừa rồi, chúng ta có thể khẳng định vai trò của thẻ tín dụng nội địa.

Trong thời gian tới, Phó Thống đốc đề nghị các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa cụ thể như sau:

Một là đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.

Hai là tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.

Ba là mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Cuối cùng, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh phát triển thẻ tín dụng, ông yêu cầu các đơn vị PHTTD và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa

Agribank là đơn vị đầu tiên phát hành thẻ đa ứng dụng với sản phẩm thẻ đa ứng dụng (ghi nợ & tín dụng) Lộc Việt. Thẻ kép là thẻ được phát hành với 2 chip trên thẻ bao gồm 1 chip dùng cho thanh toán bằng tính năng tín dụng (Credit), 1 chip dùng cho tính năng ghi nợ (Debit). Vietinbank là đơn vị đầu tiên phát hành thẻ kép với sản phẩm thẻ 2Card. Thẻ đồng thương hiệu là loại hình thẻ tín dụng hợp tác phát hành với các nhãn hàng, thương hiệu lớn cung cấp ưu đãi đặc quyền dành cho chủ thẻ tín dụng NAPAS như thẻ Vietcapital Bank Shop On.

Phó Tổng giám đốc Agribank Tô Đình Tơn cho biết: "Những năm qua, Agribank tự hào đã tham gia và đóng góp tích cực, hiệu quả trong đẩy mạnh triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, Agribank được đánh giá là ngân hàng tiên phong trong đầu tư và cung ứng dịch vụ thẻ, dịch vụ ATM tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu của người dân không chỉ địa bàn đô thị mà cả khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa với bình quân 3 ATM/huyện.

Trăn trở trước thực trạng tín dụng đen và chia sẻ khó khăn với người dân, đặc biệt là bà con nông dân và tầng lớp yếu thế trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ tài chính vi mô, từ năm 2019, Agribank đã nghiên cứu và triển khai thành công Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường này kết hợp phát hành thẻ với cấp hạn mức thấu chi qua thẻ không có bảo đảm bằng tài sản với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện. Từ đó người dân có thể dễ dàng tiếp cận khoản vay nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu như thanh toán điện, nước, điện thoại, chuyển học phí cho con em cũng như phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày, đặc biệt là nhu cầu thanh toán đầu vào vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc trừ sâu...) với hạn mức thấu chi lên đến 30 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng,…".

Để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank  quan tâm đến đầu tư, trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của bà con nông dân. "Việc triển khai Đề án có vai trò và ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Từ đó tạo cơ hội cho người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, góp phần lành mạnh hóa thị trường tài chính vi mô, hạn chế và đầy lùi nạn tín dụng đen đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn", Phó Tổng Giám đốc Tô Đinh Tơn bày tỏ.

Bên cạnh đó, đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Ông Tơn vui mừng vì một số đối tượng có thể kể ra là người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác,… có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý.

"Đến nay dù thời gian triển khai chưa dài nhưng Đề án đã đạt được những kết quả quan trọng với hơn 430.000 thẻ được phát hành, trên 2.500 tỉ đồng hạn mức thấu chi được cấp và trên 5.000 thiết bị POS được lắp đặt, nâng tổng số thiết bị POS tại địa bàn nông nghiệp nông thôn lên gần 15.000 thiết bị. Kết quả được khách hàng, lãnh đạo các ban ngành địa phương, các chi nhánh trong toàn hệ thống Agribank ủng hộ và đánh giá cao", ông Tơn tự hào cho biết.

Tại Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2021, Đề án đã được Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao về tính sáng tạo của Agribank trong việc triển khai phương thức cấp tín dụng qua thẻ. Đề án vừa đảm bảo kiểm soát được quá trình sử dụng tiền vay vừa giúp khách hàng tiếp cận được nguồn vốn vay chính thức với thủ tục đơn giản, dễ dàng và là mô hình sáng tạo để nhân rộng trong thời gian tới. Với phương châm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cũng như với mong muốn tạo ra những "Sản phẩm Việt cho người Việt", đặc biệt là tiết giảm chi phí trong đó có phí Interchange phải trả các Tổ chức thẻ quốc tế, ngoài sản phẩm thẻ thấu chi, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của NHNN, sự hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật của Napas, sau một thời gian nghiên cứu, phát triển, từ đầu năm 2022, Agribank đã chính thức triển khai sản phẩm thẻ tín dụng nội địa "Lộc Việt" với các đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại nhất hiện nay trên cơ sở tích hợp hai ứng dụng thẻ ”debit” và ”credit” trên cùng một con chip, góp phần tiết giảm chi phí phôi thẻ và giúp khách hàng chủ động, linh hoạt trong việc thanh toán mà không phải cầm theo quá nhiều thẻ.

Thứ hai, sản phẩm vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ tài chính với lợi thế chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian ân hạn lên đến 55 ngày bên cạnh hàng loại chính sách ưu đãi hấp dẫn của Agribank dành cho khách hàng như: Miễn phí phát hành thẻ, phí thường viên, phí ứng/rút tiền mặt, lãi suất thấp,...

Thứ ba, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với hạn mức tín dụng lên đến 30 triệu đồng, hồ sơ, thủ tục đơn giản, thao tác thuận tiện trên nhiều kênh thanh toán tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng.

Thứ tư, đối tượng thụ hưởng phong phú. Bên cạnh phân khúc khách hàng chính là bà con nông dân, còn có học sinh, sinh viên các trường Học viện, Đại học, Cao Đẳng, Trung học chuyên nghiệp; khách hàng sử dụng điện của Tập đoàn điện lực EVN; khách hàng sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản tại Agribank.

Với các đặc trưng nêu trên, ông Tơn tin tưởng sâu sắc rằng thẻ Lộc Việt sẽ là mảng ghép quan trọng giúp Agribank hoàn thiện và nâng cao hiệu quả triển khai Đề án NNNT trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Từ đó góp phần xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ. Mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí... và các đơn vị/cá nhân cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản.

 Agribank hiện đang có trên 16 triệu thẻ ghi nợ nội địa đang hoạt động (Active Card). Trong số đó có hơn 10 triệu thẻ địa bàn nông nghiệp, nông thôn và gần 5.000 điểm bán hàng chấp nhận thẻ tại địa bàn này trên toàn quốc. Bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,…), các cửa hàng, đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản và các tiệm tạp hóa. Với tệp khách hàng gần 27 triệu hộ gia đình, trong đó có khoảng 5 triệu hộ đang có quan hệ vay vốn tại các chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank và khoảng 2,5 triệu sinh viên toàn quốc. Đây được coi là nền tảng vững chắc và lợi thế riêng có để Agribank đẩy mạnh phát hành thẻ Lộc Việt, song song với việc tiếp tục chú trọng đầu tư trang bị, mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới chấp nhận thẻ và thiết bị đầu cuối, đưa các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với bà con và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Mục tiêu của ngân hàng trong năm 2022 là phát hành tối thiểu mỗi hộ gia đình 1 thẻ Lộc Việt cho số hộ đang có quan hệ tín dụng với Agribank và hàng triệu sinh viên các trường Học viện, Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp. Agribank triển khai thành công mô hình AutoBank theo hướng dần thay thế ATM truyền thống bằng dòng ATM đa chức năng (CDM). Mô hình mới sẽ cho phép khách hàng rút và gửi tiền trực tuyến cùng với việc triển khai dịch vụ ngân hàng số trong lĩnh vực thẻ tới đây cho phép khách hàng đăng ký và sử dụng trực tuyến các dịch vụ ngân hàng hiện đại (đăng ký CIF, mở Tài khoản, đăng ký phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ vay vốn cá nhân) bằng công nghệ sinh trắc học cả khuôn mặt và vân tay. Ngân hàng hướng tới số hóa toàn bộ dịch vụ thẻ và dần thay thế các phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả cũng góp phần đem lại thành công cho sản phẩm thẻ Lộc Việt.

Phó Tổng Giám đốc Tô Đình Tơn cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa nền kinh tế đang đặt ra những khó khăn, thách thức song cũng mở ra không ít cơ hội. Đó là sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong thanh toán không dùng tiền mặt; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, NHNN trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong đó có tài chính vi mô; sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng thanh toán, hạ tầng công nghệ (phủ sóng 4G, 5G, Smart phone giá rẻ...) và Việt Nam là nước đông dân với đặc trưng văn hóa ẩm thực và shopping vỉa hè. Với đặc thù và ưu thế về mạng lưới, tệp khách hàng địa bàn nông nghiệp, nông thôn và nỗ lực của toàn hệ thống Agribank, ông Tơn bày tỏ hy vọng rằng sản phẩm thẻ Lộc Việt sẽ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen đặc biệt trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

"Sản phẩm thẻ Lộc Việt một lần nữa cũng khẳng định cam kết của Agribank là một định chế tài chính hiện đại, có trách nhiệm trong định hướng và dẫn dắt thị trường tài chính ngân hàng nói chung, thị trường thanh toán nói riêng phát triển và phát triển bền vững vì một nước Việt Nam phát triển, phồn thịnh", ông Tơn nói thêm.

Với mục tiêu mang tới cho khách hàng giải pháp tài chính linh hoạt chi tiêu trong nước, hạn chế tín dụng đen,  các Ngân hàng thương mại đã mở rộng chính sách cấp tín dụng thẻ tín dụng nội địa đảm bảo phù hợp với mọi phân khúc khách hàng, bao gồm cả phát hành thẻ TDNĐ tín chấp và có tài sản bảo đảm, dành cho cả các đối tượng thu nhập thấp, chi lương hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, khách hàng có quan hệ Tiền gửi, tiền vay...

GIOI GIANG - KIM HẠNH
Napas phối hợp Agribank ra mắt thẻ kép đa năng
Napas phối hợp Agribank ra mắt thẻ kép đa năng

Thẻ đa năng Lộc Việt do Napas hợp tác phát triển cùng Agribank trên nền tảng công nghệ thẻ chip nội địa, mang đến trải nghiệm đa tính năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN