Diễn đàn do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp cùng tổ chức.
Diễn đàn được coi là kết quả của nỗ lực chung của các bên nhằm thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp lớn trong việc tiên phong vận dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, thực hiện Luật Bình đẳng giới, hướng tới một nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng và phát triển bền vững dựa trên sự bình đẳng.
Tham dự Diễn đàn có đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, đại sứ, lãnh đạo phụ nữ qua các thời kỳ, lãnh đạo VCCI và 200 đại biểu đến từ các hiệp hội/hội/câu lạc bộ doanh nhân các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và các doanh nhân nữ tiêu biểu trên cả nước.
Phụ nữ - người quyết định tương lai của nền kinh tế
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh, tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có doanh nhân nữ làm chủ, sử dụng nhiều lao động nữ đã kiên cường, chống chịu, đóng góp đáng kể vào thành công thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay, Việt Nam có khoảng 200.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong số khoảng 800.000 doanh nghiệp, chiếm 25%. Đáng chú ý, tại khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ nữ làm chủ chiếm một số lượng lớn, khoảng 30%. Trong các hộ kinh doanh gia đình, ước tính có trên 50% là phụ nữ làm chủ. Do vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, phụ nữ chính là người quyết định tương lai của kinh tế Việt Nam.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện nay, ba động lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của một nền kinh tế trong tương lai đó là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; phụ nữ; internet. Ba động lực này tạo thế chân kiềng và nếu phát huy được, nền kinh tế sẽ bứt phá.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, việc thực hiện những chủ trương, chính sách này còn gặp nhiều khó khăn. Ông Lộc lấy dẫn chứng về việc chưa đạt được mục tiêu đưa doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 35% tổng số doanh nghiệp cả nước vào năm 2020.
Chia sẻ quan điểm với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, nâng cao vai trò và tăng quyền năng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; thúc đẩy tiếp cận cơ hội hưởng lợi ngang bằng giữa phụ nữ và nam giới về việc làm, nâng cao năng lực trình độ, cơ hội thăng tiến, tham gia trong chuỗi cung ứng… sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi giới, là nền tảng quan trọng để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh Hội sẽ tiếp tục thúc đẩy nhiều hơn nữa các giải pháp để thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Không khai thác hết năng lực của phụ nữ là một sự lãng phí
Cũng tại Diễn đàn, các diễn giả từ Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, UN Women, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, Tổng Công ty May 10 và Tập đoàn Hiền Lê đã có những chia sẻ, khẳng định bình đẳng giới chính là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế bền vững.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) nhấn mạnh: “Nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ thiếu đi điều kiện để thúc đẩy phát triển bền vững nếu như thiếu vắng sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm và sáng tạo của phụ nữ”.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ: “Một nửa dân số thế giới là phụ nữ. Do đó, nền kinh tế không khai thác hết năng lực của phụ nữ sẽ lãng phí một nửa nguồn nhân lực. Tận dụng đầy đủ tiềm năng tham gia kinh tế của phụ nữ không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn rất tốt về mặt kinh tế”.
Theo bà Elisa Fernandez Saenz, số liệu nghiên cứu của Viện McKinsey toàn cầu cho thấy, nếu đạt được mức đáng kể về bình đẳng giới, GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 12.000 tỷ USD vào năm 2025.
Bà Elisa Fernandez Saenz đánh giá Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên, Trưởng đại diện UN Women nhấn mạnh bình đẳng giới vẫn còn là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam vẫn có mức lương thấp hơn nam giới. Phụ nữ phải đối mặt với những rào cản lớn trong quá trình phát triển sự nghiệp. Họ bị phân biệt đối xử khi tham gia thị trường việc làm. Kỳ vọng truyền thống về trách nhiệm chăm sóc gia đình, định kiến giới trong tuyển dụng và phân biệt giới tính tại nơi làm việc đang cản trở nhiều lao động nữ cạnh tranh trên thị trường việc làm một cách bình đẳng với các đồng nghiệp nam.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang gặp nhiều trở ngại trong việc tham gia vào các hoạt động kinh doanh, bao gồm khả năng tiếp cận hạn chế các nguồn lực; chất lượng nguồn nhân lực thấp, không đủ kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin - truyền thông và đối mặt với định kiến giới liên quan đến gia đình, doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn, một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam đã ký cam kết ủng hộ các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs). Đây là sáng kiến chung của UN Women và UN Global Compact, bao gồm 7 bước mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để trao quyền cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng.