Tìm giải pháp cho vấn đề dư thừa xi măng


Cả nước hiện có 8 doanh nghiệp xi măng xuất khẩu clanhke và xi măng
nhưng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu xi măng.


Trong đó số 8 doanh nghiệp đó có 6 doanh nghiệp trong nước gồm các đầu mối: Vicem, Hạ Long, Thăng Long, Cẩm Phả, The Vissai, Công Thanh và 2 doanh nghiệp xi măng liên doanh với nước ngoài gồm Chinfon và Phúc Sơn. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định: Thời gian qua, các doanh nghiệp xi măng tham gia xuất khẩu chưa có sự liên kết chặt chẽ.

Công ty xi măng Hạ Long là một trong 6 doanh nghiệp xi măng trong nước. Ảnh: Internet


Hiện việc tạo lập thị trường xuất khẩu clanhke và xi măng chính là giải pháp hợp lý trong lúc thị trường nội địa cung vượt cầu nhằm mục đích ổn định sản xuất, giảm lượng sản phẩm tồn kho, giảm nhập siêu.


Tuy nhiên, trong khi Hiệp hội xi măng Việt Nam đã tổ chức họp và thống nhất với các doanh nghiệp về giá bán để tránh thua thiệt cho doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu thì một số đơn vị vẫn tự hạ giá.


Động thái này dẫn tới việc giảm giá theo phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả chung của các đơn vị xuất khẩu xi măng. Chỉ riêng 2 doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài là Chinfon và Phúc Sơn, do đã có kinh nghiệm nên việc xuất khẩu clanhke và xi măng không có vấn đề nổi cộm.


Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Hiệp hội xi măng Việt Nam cần đẩy mạnh công tác thông tin với các doanh nghiệp trong Hiệp hội đặc biệt là về khối lượng, giá cả xuất khẩu clanhke và xi măng. Đây chính là đầu mối tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong Hiệp hội nhằm giúp hoạt động xuất khẩu clanhke và xi măng đạt kết quả tốt hơn.


Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, để việc xuất khẩu clanhke và xi măng trong nước có tổ chức và hiệu quả thì nên thành lập Hội hoặc Hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu clanhke và xi măng. Bộ Xây dựng sẽ làm việc cụ thể với Hiệp hội xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu về vấn đề này.


Để tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu thụ xi măng theo chỉ đạo của Chính phủ, trước đó, liên Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải đã ký kết Chương trình hành động tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam; đồng thời định hướng tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung.


Trước mắt, để giúp các doanh nghiệp xi măng giải quyết những khó khăn về tài chính, Bộ Xây dựng đề xuất đánh giá hiệu quả hoạt động và biện pháp sắp xếp, cơ cấu lại, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, xác định tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại các nhà máy xi măng. Cùng đó là rà soát lại quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng cho phù hợp với nhu cầu về mặt hàng này trong những năm tới.


Thời điểm hiện tại, xi măng đang trong tình trạng cung vượt cầu bởi khối lượng xây dựng giảm mạnh do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, Quy hoạch xi măng là cân đối cho giai đoạn dài, nên không thể căn cứ vào tình hình trong một thời gian ngắn để điều chỉnh. Hơn nữa, thực hiện đầu tư một dự án xi măng cũng phải mất khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm.


Bởi vậy, trong quý III/2012, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát tình hình triển khai các dự án xi măng dự kiến vận hành trong giai đoạn 2013-2015 để đề xuất với Chính phủ có điều chỉnh hợp lý và cần thiết.


Thu Hằng


Ngành xi măng và bài toán vượt khó
Ngành xi măng và bài toán vượt khó

Giải pháp nào để ngành xi măng vượt khó trong bối cảnh năm 2012 tiếp tục thắt chặt tín dụng, đầu tư công vẫn hạn chế. Và về lâu dài, ngành xi măng không chỉ phải cạnh tranh ở trong nước mà còn cả trong khu vực khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN