Thông tin Ngân hàng Nhà nước “bơm” ngoại tệ để hỗ trợ thanh khoản, đồng thời thả nổi lãi suất VND ngay lập tức đã tác động tích cực tới các thị trường. Hôm qua (5/11), thị trường ngoại hối tự do đã có tín hiệu tích cực, tỷ giá giao dịch giảm xuống còn 20.500 VND/USD, lãi suất huy động cũng bắt đầu tăng lên.
Giá “đô” lao dốc
Thông tin Ngân hàng Nhà nước "bơm" ngoại tệ ra thị trường để hỗ trợ tỷ giá đã tác động mạnh tới thị trường ngoại tệ tự do. Từ mức giao dịch "đỉnh" 21.000 VND/USD vào chiều 2/11, tỷ giá đã giảm nhanh xuống còn 20.600 - 20.850 VND/USD vào chiều 4/11. Đến chiều qua (5/11), tỷ giá mua bán USD tự do tiếp tục xuống mức 20.300 - 20.550 VND/USD tại các cửa hàng buôn bán ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội), giảm khoảng 500 VND/USD so với thời điểm “đỉnh cao” và khoảng 300 VND/USD so với chiều 4/11.
Giải pháp “bơm” ngoại tệ ra thị trường của NHNN đã có tác động tích cực tới các thị trường. |
"Thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước đã tác động mạnh tới thị trường, nhiều người đổ xô đi bán USD từ chiều 4/11 để chốt lời. Sáng nay (5/11), số lượng người đi bán USD cũng rất đông", chủ một cửa tiệm bán ngoại tệ trên phố Hà Trung (Hà Nội) cho biết.
Vì lượng người đi bán USD quá đông nên nhiều cửa hàng đã giảm mạnh giá mua vào ngoại tệ, đẩy mức chênh lệch mua vào và bán ra lên tới 250 VND/USD.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường ngoại hối chưa thể giảm sâu vì Ngân hàng Nhà nước chưa công bố chính xác số ngoại tệ sẽ bán ra.
Gỡ khó cho lãi suất
Ngoài thông tin “bơm” USD ra thị trường, thông tin Chính phủ sẽ để cho lãi suất VND được điều chỉnh theo tín hiệu thị trường cũng tạo được những tín hiệu tích cực. Hôm qua (5/11), Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa bằng việc quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 9%/năm (tăng 1%).
Thông tin trên được nhiều ngân hàng thương mại hoan nghênh. Theo họ, cơ chế mới sẽ giúp việc huy động vốn trở nên minh bạch hơn, cạnh tranh lành mạnh hơn.
"Mặc dù, lãi suất cơ bản hiện nay chỉ còn mang tính tham khảo nhưng quyết định nâng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước là một tín hiệu tốt đối với thị trường tiền tệ, tạo ra cơ chế mới giúp thị trường hoạt động linh hoạt hơn, theo đúng tín hiệu thị trường và các ngân hàng cũng chủ động hơn trong việc huy động vốn", ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết.
"Trước đây, vì đồng thuận, các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất huy động xuống 11% nên khó huy động vốn, dẫn tới cạnh tranh khuyến mãi. Nhưng hiện nay, Chính phủ đã cho phép điều chỉnh lãi suất theo tín hiệu thị trường thì thị trường sẽ minh bạch hơn, không còn cạnh tranh ngầm trong huy động vốn", ông Toại phân tích.
Theo một Giám đốc Ban nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), hôm qua (5/11), Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với các ngân hàng thương mại về lãi suất VND. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi các ngân hàng cố gắng giữ lãi suất huy động ở mức 12%/năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn cho các tỉnh vừa bị ảnh hưởng bởi các trận lũ trong thời gian vừa qua và cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, theo vị Giám đốc này, thông tin thả nổi lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã tác động mạnh tới thị trường, lãi suất huy động đã được nhiều ngân hàng đẩy lên mức trên 13%/năm.
Hữu Vinh