Năm 2011, kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, thị trường tiêu thụ ở các thành phố lớn tăng trưởng có phần chậm lại nhưng thị trường bán lẻ khu vực nông thôn vẫn khởi sắc do có quy mô rộng lớn và nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn ngày càng tăng cao. Thị trường nông thôn có thể giúp nhiều doanh nghiệp ổn định và tăng được doanh số trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Không suy giảm khi kinh tế khó khăn
Theo nhiều doanh nghiệp, đưa hàng về nông thôn hiện nay có nhiều thuận lợi hơn trước. Thu nhập của người dân nông thôn những năm gần đây được cải thiện rõ rệt, nhu cầu mua sắm hàng hóa cũng tăng lên. Đặc biệt, người dân nông thôn có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, hàng công nghiệp chế biến... Tuy nhiên, trước đây, thị trường nông thôn chưa được khai phá nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn bỏ trống thị trường nông thôn. Vì thế, thị trường hàng hóa ở khu vực nông thôn kém phong phú và chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của người dân. Thậm chí, thị trường nông thôn là đất sống của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đưa hàng về thị trường nông thôn. |
Cùng với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", việc truyền thông quảng bá cho hàng Việt được đẩy mạnh cũng giúp người dân nông thôn quan tâm nhiều hơn đến hàng Việt. Là người tổ chức hơn 70 phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở khắp các vùng miền của cả nước, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh (BSA) cho biết, những phiên chợ hàng Việt về nông thôn đầu tiên được tổ chức ở các địa phương, chỉ có vài trăm người dân tới tham quan, mua sắm, doanh số bán hàng cũng không nhiều. Nhưng gần đây, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn ngày càng thu hút đông đảo bà con của các địa phương. Ngay cả ở những vùng biên giới, vốn là đất sống của hàng ngoại thì bà con cũng rất thích mua hàng Việt.
Theo Trung tâm BSA, nhiều phiên chợ hàng Việt đã đạt doanh số bán hàng lên tới cả tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn thậm chí rơi vào tình thế "cháy hàng" chỉ trong vài ngày tổ chức. Theo nhận định của nhiều bà con, hàng Việt có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp mà giá cả cũng phải chăng. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức mạng lưới bán hàng ở nông thôn cũng cho biết, trong khi doanh số bán hàng ở các thành phố lớn giảm thì thị trường nông thôn vẫn tăng trưởng mạnh. Có những mặt hàng tiêu dùng, tăng trưởng doanh số thậm chí tới 30 - 50%/năm.
Thiết lập hệ thống phân phối
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" không chỉ giúp người tiêu dùng nông thôn nhận diện hàng Việt tốt hơn mà còn giúp doanh nghiệp hiểu hơn giá trị của thị trường nông thôn. Lâu nay, mãi tập trung cho xuất khẩu và phát triển ở thị trường thành phố, doanh nghiệp thường có tâm lý ngại thị trường nông thôn. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, thị trường nông thôn tuy có sức mua lớn nhưng khả năng thanh toán không cao.
Tuy nhiên, sau khi tham gia những phiên chợ hàng Việt về nông thôn, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nhận ra cần phải khẩn trương thiết lập kênh phân phối bán hàng ở nông thôn. "Những phiên chợ hàng Việt chỉ mang tính thử nghiệm để doanh nghiệp khám phá thị trường nông thôn. Tuy nhiên, để có thể bám rễ ở thị trường nông thôn, doanh nghiệp phải quan tâm thiết lập hệ thống phân phối ở địa bàn nông thôn", một doanh nghiệp nhận xét.
Với mong muốn đưa và phục vụ sản phẩm đến người tiêu dùng ở khắp mọi miền Tổ quốc để mọi người đều được hưởng thụ những sản phẩm tốt nhất cũng như đánh giá cao về tiềm năng của thị trường nông thôn, Tập đoàn Tân Hiệp Phát hiện đã thiết lập hệ thống phân phối ở tất cả các tỉnh, thành trong nước, đến các vùng sâu, vùng xa nhất. Vì thế, các sản phẩm đa dạng cho mọi lứa tuổi của tập đoàn như trà xanh không độ, trà thảo mộc Dr Thanh... đã được bà con nông thôn biết đến từ lâu. Sự phát triển hệ thống phân phối rộng khắp của Tân Hiệp Phát cùng với chiến lược marketing và quảng cáo phù hợp, sự xuất hiện sản phẩm ở các hội chợ địa phương đã giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm, từ đó định hướng cho tiêu dùng của thị trường nông thôn. Không những thế, sự thành công của Tân Hiệp Phát còn góp phần khẳng định uy tín thương hiệu Việt ở thị trường nông thôn.
Theo Bộ Công Thương, thời hạn để giảm thuế suất xuống còn 0 - 5% cho các loại hàng hóa nhập khẩu theo quy định của các FTA (khu vực mậu dịch tự do) mà Việt Nam (cùng các nước trong khối ASEAN) đã ký kết với các nước khác không còn nhiều nữa. Để có thể cạnh tranh được với hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước buộc phải thể hiện lợi thế sân nhà bằng chính hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa thật vững chắc trên mọi thị trường, nhất là thị trường nông thôn.
Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường nông thôn cần nâng cao hiểu biết về tâm lý tiêu dùng và văn hóa mua sắm của người dân; quan hệ gần gũi, thân thiết với người tiêu dùng; cung cấp hàng hóa có chất lượng cao và giá cả linh hoạt, phù hợp với người tiêu dùng bình dân... thì vẫn sẽ có nhiều cơ hội phát triển ở thị trường nông thôn.
Phương Chi