Nhiều thế hệ sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương biết đến TEC- câu lạc bộ những doanh nhân trẻ tương lai - như một nơi tạo dựng và rèn luyện cho sinh viên sự tự tin, bản lĩnh của một doanh nhân trẻ.
10 năm trước, ý tưởng thành lập một sân chơi dành cho sinh viên yêu thích kinh doanh đã nhen nhóm trong lòng những cô cậu học trò năng động. Các bạn trẻ đã chia sẻ với thầy Ngô Quý Nhâm, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương, xin ý kiến về việc thành lập CLB. Thầy không những ủng hộ về ý tưởng mà còn góp 500.000 đồng làm “vốn thành lập” CLB. Từ đó đến nay, dù bận trăm công ngàn việc, thầy luôn dành thời gian và tâm trí để tư vấn cho các hoạt động, sự kiện của TEC khi sinh viên cần.
Một buổi thảo luận kế hoạch hoạt động nhóm của Ban điều hành TEC. |
Năm 2000, với sự ra đời của TEC, Đại học Ngoại thương trở thành một trong những trường đại học đầu tiên ở Hà Nội có CLB về chuyên ngành kinh tế dành cho sinh viên. Tôn chỉ của CLB là hướng tới góp phần xây dựng một lớp doanh nhân trẻ Việt Nam hiện đại. Ra đời ở thời điểm còn rất ít sân chơi dành cho sinh viên trong trường đại học, mạng Internet chưa bùng nổ, nên ban đầu, sinh viên trong trường đua nhau đăng ký tham gia. CLB có tới 400 thành viên. Từ số tiền 500.000 đồng và được sự cố vấn của thầy Nhâm, Ban chủ nhiệm CLB đã thiết kế những chương trình hoạt động đầu tiên.
Hiện nay, để hoạt động đi vào chiều sâu, TEC đã thu hẹp số lượng thành viên. Mỗi năm, số thành viên dao động trong khoảng 40 người, chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai. Không chỉ là môi trường sinh hoạt chuyên ngành, TEC còn là nơi hỗ trợ sinh viên hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Trong nhiều hoạt động mà TEC phối hợp cùng các đơn vị, tìm tài trợ ở các công ty để tổ chức, nổi bật nhất là cuộc thi Khởi nghiệp cùng KAWAI. Tham gia cuộc thi, sinh viên kinh tế được học cách lập dự án kinh doanh, được rèn luyện sự tự tin, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Những người thắng cuộc trong cuộc thi Khởi nghiệp cùng KAWAI được tài trợ 40 triệu đồng để triển khai ý tưởng trong thực tế.
10 năm qua, TEC là cái nôi hun đúc nhiều người trẻ ra trường khởi nghiệp kinh doanh với tâm thế "dám thất bại để thành công", và hiện nay, họ đang gặt hái những thành công đầu tiên. Kim Ngọc Minh, sinh năm 1981 là một ví dụ. Từng là người đoạt giải Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ năm 2003, Minh mở Công ty Phát triển tài năng trẻ em. Sau đó gặp khó khăn về tài chính, tạm hoãn giấc mơ làm ông chủ, Minh đi làm thuê cho các công ty FPT, Neptuyn… Đến nay, anh đã trở lại với công việc kinh doanh độc lập, làm giám đốc một trường mầm non theo mô hình giáo dục Nhật Bản… Anh cho biết, TEC đã giúp anh rất nhiều, nhất là rút ngắn khoảng cách giữa học và hành, rèn luyện cho anh nhiều phẩm chất cần có của một doanh nhân trẻ.
Hiện nay, trong 30 CLB của Trường Đại học Ngoại thương, có thể nói, TEC đã ngày càng chứng tỏ sức hút đối với sinh viên ngành kinh tế. Việc duy trì mối liên hệ với những cựu thành viên đã trưởng thành cùng TEC được CLB chú trọng, nhằm duy trì lửa nhiệt tình và nuôi mơ ước thành công cho các thành viên.
Với hình thức “học mà chơi, chơi mà học”, CLB rất bổ ích với sinh viên. Tuy nhiên, một CLB trong trường đại học dễ thành mà cũng dễ tan. Với kinh nghiệm của một người đi trước, Kim Ngọc Minh cho rằng: “TEC còn nhiều việc phải làm nếu muốn góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân trẻ hiện đại. Những hoạt động thời gian tới của CLB cần gắn bó hơn với các doanh nghiệp, nhất là thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Từ đó, cần bố trí sắp xếp gửi thêm nhiều thành viên TEC đến những doanh nghiệp đó thực tế, thực tập…”.
Bài và ảnh:Mạnh Minh