Đây là lần đầu tiên một người đến từ châu Á được xếp hạng cao như vậy trong danh sách của Bloomberg, vốn từ lâu do các doanh nhân công nghệ phương Tây thống trị.
Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk vẫn duy trì “ngôi vương” người giàu nhất thế giới với khối tài sản khổng lồ 260 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Elon Musk có lẽ cũng cần phải đề phòng bởi “ông trùm” Adani chỉ mất chưa đầy 10 tháng để leo lên vị trí thứ hai sau khi bắt đầu năm 2022 với vị trí thứ 14.
Mặc dù vậy, khối tài sản 146,9 tỷ USD của ông Adani, phần lớn gắn với giá trị cổ phần của tập đoàn Adani Group lừng lẫy, vẫn thua xa mức tài sản 260 tỷ USD của tỷ phú Musk.
Tập đoàn Adani Group điều hành một loạt các lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cảng và than, đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Cổ phiếu của một số công ty thuộc tập đoàn đã tăng hơn 1.000% kể từ tháng 6/2020 - phản ánh sự lạc quan của giới đầu tư về sức mạnh của tập đoàn này trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo mà Thủ tướng Narendra Modi ưu tiên phát triển.
Cổ phiếu công ty Adani Enterprises hàng đầu của ông đã tăng hơn 115% vào năm 2022. Trước đó vào tháng Hai, ông Adani đã vượt qua nhà tài phiệt Ấn Độ Mukesh Ambani để trở thành người giàu nhất châu Á.
Theo Bloomberg, giá trị tài sản ròng của CEO Bezos đã giảm xuống còn 145,8 tỷ USD do cổ phiếu của Amazon bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt bán tháo hôm 16/9. Cổ phiếu Amazon đã giảm 3% trong thời gian đầu của phiên giao dịch và đã giảm hơn 25% trong năm nay.
Người sáng lập Amazon từng đứng thứ nhất trong danh sách Chỉ số tỷ phú của Bloomberg, nhưng tài sản của ông đã bị ảnh hưởng sau khi ly hôn vào năm 2019. Phần lớn tài sản của ông Bezos được gắn với “sức khỏe” cổ phiếu Amazon.
Theo Bloomberg, xu hướng bán tháo cổ phiếu công nghệ đã làm ông Bezos mất đi 45 tỷ USD tài sản ròng kể từ tháng 1/2022.