Bộ Công Thương cho hay, theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP) và các quy định pháp luật có liên quan, thương nhân sản xuất xăng dầu có quyền xuất khẩu sản phẩm xăng dầu nếu đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn sản phẩm xăng dầu… theo kế hoạch đăng ký với Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đang xem xét đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn về việc xuất khẩu sản phẩm xăng của Nhà máy theo quy định.
Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn được chủ trương đầu tư để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Tuy nhiên, tại từng thời điểm, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể đề xuất được xem xét xuất khẩu xăng dầu nếu không tiêu thụ hết trong nước để đảm bảo an toàn vận hành cho Nhà máy.
Bộ Công Thương nhận định, nếu sản phẩm của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đáp ứng được các yêu cầu chất lượng và xuất khẩu được sang thị trường khu vực và thế giới, sẽ là tín hiệu tích cực, thể hiện khả năng cạnh tranh của xăng dầu Việt Nam với các sản phẩm từ các thị trường khác.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu sản phẩm xăng dầu của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn cần đảm bảo lợi ích tổng thể và không ảnh hưởng tới nguồn cung trong nước. Bộ Công Thương sẽ xem xét vấn đề này trên cơ sở xem xét cân đối tổng nguồn và phê duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối.
Hiện nay, lộ trình giảm thuế theo các cam kết FTA sẽ dần về 0%. Đặc biệt là thuế từ Hàn Quốc là 0% từ năm 2018 này. Về lo ngại việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ phải bù lỗ cho sản phẩm từ nhà máy Nghi Sơn do chênh lệch thuế suất nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ với dự án này, phía Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án tổng thể để xử lý các vấn đề liên quan đến Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; trong đó, có vấn đề về lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết FTA, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Về việc điều hành nhập khẩu xăng dầu thực hiện thông qua các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngay từ cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã xác định hạn mức xăng dầu nhập khẩu tối thiểu cho năm sau trên cơ sở cân đối nguồn sản xuất trong nước cùng nhu cầu tiêu thụ nội địa nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng.
Trong quá trình điều hành, Bộ Công Thương theo dõi sát sao tổng nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để có biện pháp điều hành hợp lý như điều chỉnh hạn mức nhập khẩu tối thiểu, cho phép xuất khẩu xăng dầu,... nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước, đồng thời đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.