Ngày14/3, tại TP.HCM đã diễn ra buổi chuyển giao công nghệ sản xuất bêtông bằng cát biển và nước biển giữa Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thạch Anh và Bộ Quốc phòng. Công nghệ này mở ra hướng xây dựng mới cho các công trình xây dựng kè chắn sóng, đường đi, nhà tránh bão... ở Trường Sa và các đảo khác vì không phải mang cát và nước ngọt từ đất liền ra đảo làm bêtông.
Bêtông riêng tặng Trường Sa
Ông Trần Minh Chí - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thạch Anh tâm sự: “Khoảng tháng 5/2011 các kỹ sư tại Thạch Anh đã nghĩ đến ý tưởng “tại sao không dùng cát biển, nước biển để làm bêtông?”, như vậy sẽ đỡ rất nhiều kinh phí, thời gian chuyên chở vật liệu từ đất liền ra hải đảo. Nếu thành công, việc xây dựng các công trình ở biển đảo – đặc biệt là Trường Sa – sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ý tưởng này đã được lãnh đạo Bộ Quốc phòng ủng hộ, đồng thời đặt hàng cho Thạch Anh nghiên cứu công nghệ sản xuất bêtông bằng cát biển và nước biển”.
Gạch của Công ty Thạch Anh làm từ cát biển và nước biển. |
Sau 6 tháng nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, những viên gạch bêtông từ cát biển và nước biển được mang đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thử nghiệm. Kết quả thử cho thấy cường độ nén trung bình của bêtông đạt 89,9 MPa (theo phương pháp thử TCVN 6476:1999), độ hút nước 3,1% (TCVN 6355:1998 phần 3), độ mài mòn sâu 215mm3 (theo phương pháp thử BSEN 1338:2003). Thạch Anh đã nộp đơn đăng ký sáng chế công nghệ và chuẩn bị tiến hành chuyển giao công nghệ cho Bộ Quốc phòng.
Cho chúng tôi xem những mẫu sản phẩm đầu tiên, kỹ sư Nguyễn Minh Luân - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kỹ thuật, chủ nhiệm đề tài - cho biết nguyên liệu chính để sản xuất bêtông này là sỏi, cát biển, san hô, ximăng P40, nước biển và phụ gia tạo dính. Mọi thứ đều sẵn có ở các vùng biển, Thạch Anh lao vào nghiên cứu chất phụ gia. Với phụ gia tạo dính do Thạch Anh sử dụng, sản phẩm bêtông ngoài cường độ nén cao, độ hút nước và độ mài mòn rất thấp nên nước không thấm vào bên trong, dẫn đến tuổi thọ của bêtông cao hơn. Thú vị hơn, so với bêtông thông thường, để sản xuất 1m3 bêtông có cường độ nén 30MPa cần sử dụng 472kg ximăng P40, nhưng với cát biển và nước biển sẽ chỉ tốn 350kg ximăng với cường độ nén 50MPa.
Thi công nhanh hơn
Bí quyết của phụ gia chiếm khoảng 1% khối lượng ximăng có trong hỗn hợp bêtông. Phụ gia tạo cho bêtông có độ sụt rất lớn, do vậy có khả năng len lỏi vào ngóc ngách của côppha, không cần đầm dùi và rất dễ thi công. Bí quyết công nghệ là ở chất phụ gia. Chất phụ gia Thạch Anh sử dụng để sản xuất bêtông cát và nước biển có tác dụng nén chặt các phần tử lại với nhau, đẩy hầu hết lượng nước muối ra ngoài bề mặt khối bêtông, hạn chế tối thiểu lượng muối còn lại trong khối bêtông, khắc phục được cơ chế ăn mòn từ bên trong, làm tăng tuổi thọ khối bêtông.
Ông Chí cho biết thêm: ‘Bêtông thông thường phải mất 24 giờ mới đông cứng. Còn bêtông làm từ cát biển và nước biển theo công nghệ của Thạch Anh là có thể đông cứng trong bốn giờ. Đặc tính này rất thuận tiện khi đúc bêtông ngay trên bãi biển hay thậm chí dưới chân công trình khi thủy triều xuống. Do đông cứng nhanh nên ta có thể đổ bêtông vào khuôn khi thủy triều rút xuống và đến khi nước lên thì bêtông đã đông”.
Theo ông Trần Minh Chí, sau khi chuyển giao, phía Bộ Quốc phòng sẽ sử dụng công nghệ làm bêtông từ cát biển và nước biển để làm các viên bêtông tự chèn xây kè chắn sóng, làm gạch xây nhà tránh bão, trường học, hồ chứa nước ngọt, đường sá trên đảo. Không cần xây dựng dây chuyền máy móc, có thể trộn, đúc thủ công bằng sức người, không cần gia nhiệt, không gây ô nhiễm, giá thành sản xuất tại đảo thấp hơn 1/3 giá thành làm bêtông từ cát bình thường và nước ngọt. Công ty Thạch Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn quy trình sản xuất, huấn luyện nhân công.
Công nghệ làm bêtông từ cát biển và nước biển đã mở ra một hướng đi mới để tiến hành xây dựng các công trình quan trọng trên đảo xa với giá thành rẻ, thời gian thi công nhanh hơn.
Đăng Giới – Khánh Đoan